Chỉ dẫn địa lý mai vàng Bình Định

11:31' - 22/01/2022
BNEWS Ngày 22/1, tại thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội thảo khoa học Chỉ dẫn địa lý mai vàng Bình Định.

 Đây là hội thảo khoa học nằm trong khuôn khổ dự án “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định”.

Các đại biểu đánh giá các chỉ số, thông tin phân biệt hoa mai vàng Bình Định và hoa mai vàng khác. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN

Tại hội thảo, các đại biểu, nghệ nhân đã đánh giá, phân tích những nét đặc trưng riêng, so sánh tính chất đặc thù cảm quan của mai vàng Bình Định với mai vàng các tỉnh khác như các vùng chuyên trồng mai ở miền Nam và khu vực miền Trung.

Theo các nghệ nhân, đặc trưng nổi bật của mai vàng An Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung là “đơn cành, thưa tán, gốc bồ, ngọn chỉ”, hoa nhiều cánh, sắc hoa tươi thắm. Mai được tạo dáng từ cây con, trồng bằng đất phù sa, được trồng lâu năm trong chậu kiểng, được thay đất định kỳ khoảng 2 năm/lần. Cùng với đặc trưng văn hóa của người Bình Định, “túc bất li địa” (chân không rời đất) trong võ cổ truyền Bình Định, hoa mai vàng Bình Định được tạo dáng có điểm chung nhất là bộ đế (phần gốc rễ) phải to, vững chãi…

Các ý kiến cũng đề cập hiện trạng trồng và kinh doanh sản phẩm mai vàng, đánh giá mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định…

Theo bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bình Định, mai vàng là sản phẩm cây trồng đầu tiên tại tỉnh Bình Định được đăng ký xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý để giúp người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng khả năng nhận biết, bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm mai vàng Bình Định.

Mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ là xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm 2 giống mai giảo và cúc mai của tỉnh Bình Định; xây dựng hệ thống văn bản quản lý và các công cụ phục vụ công tác quản lý, khai thác và quảng bá sản phẩm mai vàng tỉnh Bình Định được bảo hộ; xây dựng hệ thống nhận diện, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và hỗ trợ thử nghiệm các mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng…

Hiện nghề trồng mai vàng phát triển trong cả tỉnh, tập trung nhiều nhất là tại thị xã An Nhơn với khoảng 3.000 hộ dân trồng mai.

Nghề trồng mai tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và mang lại doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi dịp Tết Nguyên đán với thị trường tiêu thụ khắp cả nước. Năm 2012, sản phẩm Mai vàng Nhơn An đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục