Chi phí dữ liệu di động tăng làm hoạt động kinh doanh của Meta chậm lại

10:28' - 23/07/2022
BNEWS Theo Giám đốc tài chính của Meta- Dave Wehner, chi phí dữ liệu di động tăng cao là một trong những trở ngại làm hoạt động kinh doanh của Meta tăng trưởng chậm lại ở Ấn Độ, thị trường lớn nhất của họ.

Tập đoàn công nghệ Mỹ vừa đăng kết quả nghiên cứu của riêng họ về hoạt động kinh doanh của Facebook ở Ấn Độ trên một diễn đàn nội bộ dành cho nhân viên. Nghiên cứu, được thực hiện trong hai năm đến cuối năm 2021, đã xác định các vấn đề khác nhau trong việc sử dụng mạng xã hội đình đám này.

 

Theo nghiên cứu của Meta, nhiều phụ nữ đã xa lánh mạng xã hội vì họ lo lắng về sự an toàn và quyền riêng tư của họ. Mối quan tâm về an toàn nội dung và những cuộc liên hệ không mong muốn cản trở việc sử dụng Facebook của phụ nữ. Và Meta không thể thành công ở Ấn Độ nếu “bỏ lại” phụ nữ.

Các trở ngại khác mà nghiên cứu trên nêu ra bao gồm nội dung không lành mạnh, sự phức tạp trong thiết kế ứng dụng, rào cản ngôn ngữ địa phương, trình độ văn hóa và sự thiếu hấp dẫn đối với những người dùng Internet tìm kiếm nội dung video.

Cũng theo nghiên cứu của Meta, đà tăng trưởng của Facebook bắt đầu đình trệ vào năm ngoái, khi mạng xã hội này chỉ thu hút thêm 6,6 triệu người dùng trong vòng 6 tháng (từ tháng 5-10/2021) tại Ấn Độ- quốc gia có khoảng 1,4 tỷ dân.

Con số này “khiêm tốn” hơn đáng kể so với các ứng dụng “anh em một nhà” là WhatsApp và Instagram, với lần lượt mức là 71 triệu người dùng và 128 triệu người dùng.

Người phát ngôn của Meta cho biết tập đoàn này thường xuyên đầu tư vào nghiên cứu nội bộ để hiểu rõ hơn về giá trị mà sản phẩm của họ mang lại và giúp xác định các cách để cải thiện. Tuy nhiên, theo họ, thật sai lầm khi dùng kết quả nghiên cứu kéo dài 7 tháng để đại diện chính xác hoặc toàn diện về tình trạng kinh doanh của Facebook ở Ấn Độ.

Giám đốc tài chính Wehner cho biết, tăng trưởng người dùng của Facebook ở châu Á - Thái Bình Dương và một số khu vực khác bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh, cộng với việc phải so sánh với các quý trước khi bùng phát dịch COVID-19.

Ông nhận định, chi phí dữ liệu di động cao hơn là “cơn gió ngược độc nhất vô nhị” đối với hoạt động của Facebook tại thị trường Ấn Độ.

Trong khi đó, kết quả hoạt động của Facebook ở Ấn Độ có ý nghĩa lớn đối với Meta, vốn đã mất khoảng một nửa giá trị cổ phiếu trong năm nay do xu hướng bán tháo các mã cổ phiếu công nghệ và đối mặt với sự giám sát của các nhà đầu tư và nhà phân tích, những người lo ngại sự tăng trưởng của Facebook ở các thị trường đang phát triển tiềm năng đang bắt đầu suy yếu.

Nghiên cứu của Meta cho thấy, Ấn Độ có nhiều người dùng Facebook hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đạt gần 450 triệu người vào tháng 11/2022, nhờ đà tăng trưởng nhanh chóng trong phần lớn thập kỷ qua.

Bởi vậy, tập đoàn công nghệ này cần xem xét rõ ràng vị trí chiến lược và cơ hội phát triển của họ ở Ấn Độ, khi mà kết quả kinh doanh ở Ấn Độ có thể thúc đẩy kết quả kinh doanh trên toàn cầu”.

Một vấn đề chính mà Facebook đã cố gắng khắc phục trong nhiều năm ở Ấn Độ, với thành công vẫn đang còn hạn chế, đó là việc "mất cân bằng giới tính". Nam giới chiếm 75% người dùng Facebook thường xuyên hàng tháng ở Ấn Độ vào năm ngoái.

Nghiên cứu của Meta cho biết, mặc dù có sự mất cân bằng giới tính trong việc sử dụng Internet trên khắp Ấn Độ, nhưng sự mất cân bằng giữa những người sử dụng Facebook thậm chí còn rõ rệt hơn.

Nghiên cứu cho biết thêm rằng, những lo ngại về an toàn của thế giới trực tuyến và áp lực xã hội là một trong những lý do ngăn cản phụ nữ sử dụng nền tảng này. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, 79% người dùng Facebook là nữ đã bày tỏ lo ngại về việc lạm dụng nội dung/ hình ảnh trên mạng xã hội.

Facebook đã phải đối mặt với những lời chỉ trích trên toàn cầu từ các nhà hành động an toàn trực tuyến vì đã không có các biện pháp đủ chặt chẽ để bảo vệ phụ nữ khỏi bị bắt nạt hoặc quấy rối.

Vào năm 2019, mạng xã hội này cho biết họ đã thành lập một nhóm chỉ tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ, sử dụng các công cụ công nghệ để xóa nội dung được cho là không an toàn đối với phụ nữ.

Tính đến tháng 11/2021, số lượng người dùng Facebook ở Ấn Độ là 447 triệu, thấp hơn so với các ứng dụng khác thuộc Meta như WhatsApp, được Facebook mua lại vào năm 2014,  có 563 triệu người dùng ở Ấn Độ và Instagram, được mua lại vào năm 2012, có 309 triệu người dùng tại Ấn Độ.

Theo báo cáo, Ấn Độ hiện là quốc gia có nhiều tài khoản Facebook, WhatsApp và Instagram hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nhưng Meta hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ tại quốc gia Nam Á này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục