Chi phí logistics của Việt Nam hiện khá cao so với các quốc gia trong khu vực

17:08' - 02/11/2017
BNEWS Ông Đặng Vũ Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh dịch vụ Logistics, cho biết chi phí logistics của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực hiện khá cao.
May hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Hiệp hội kinh doanh dịch vụ Logistics (VLA) tổ chức hội thảo “Giải pháp giảm chi phí logistics để nâng sức cạnh trạnh cho doanh nghiệp dệt may".
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, hội thảo này nằm trong chuỗi các chương trình Triển lãm Hanoitex 2017.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Đây là triển lãm lần thứ hai kể từ khi hai bên ký biên bản hợp tác (ngày 9/9/2016). Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp VITAS và VLA gặp gỡ, trao đổi chia sẻ trực tiếp những giải pháp nhằm giảm chi phí logistics nâng sức cạnh trạnh cho doanh nghiệp dệt may.
Theo VITAS hàng năm, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn nhập khẩu số lượng lớn nguyên phụ liệu cũng như xuất khẩu các sản phẩm dệt may ra thế giới, vì vậy hoạt động logistics đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước thì các doanh nghiệp thành viên của VITAS và VLA cần tăng cường liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như giảm kinh phí vận chuyển và giảm thời gian giao hàng.
Ông Đặng Vũ Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh dịch vụ Logistics cho biết, chi phí logistics như một cấu thành của sản phẩm, đóng vai trò khá quan trọng trong khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Chi phí logistics của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực hiện khá cao.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm 21-24%- con số này khá cao đã làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, có dệt may.
Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2017 ước chừng 30 tỷ USD; trong đó, chi phí logistics chiếm 9,1%, khoảng 2,7 tỷ USD.

Nhiệm vụ của các doanh nghiệp logistics cũng như doanh nghiệp dệt may hiện nay là tìm giải pháp giảm chi phí logistics để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may.
Giải đáp vần đề này, về phía VLA đưa ra một số giải pháp như: doanh nghiệp dệt may nên xem xét thay đổi tập quán kinh doanh, chuyển từ nhập nguyên phụ liệu từ hình thức chỉ định sang hình thức FOB (tự thiết kế, cho ra sản phẩm và nhập nguyên liệu).

Điều này giúp cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam kiểm soát được giá thành và chi phí thời gian cũng như có thể lên kế hoạch rõ ràng.
Tiếp đó, xem xét khả năng mua chung, gom hàng (Full container), sắp xếp hàng hóa thuận tiện. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn mua nguyên phụ liệu nhỏ lẻ nhiều nên không tận dụng được tối đa khả năng giảm chi phí.
Theo VLA, để giảm bớt chi phí logistics, trong thời gian tới, các hội viên của VITAS cần nắm rõ bản chất và khái niệm của từng loại phí liên quan để xác định mức độ phù hợp. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ và chỉ chi trả khi xác định được chi phí thuộc đúng trách nhiệm của mình.

Doanh nghiệp nên làm việc cứng rắn với chủ tàu trên cơ sở nắm vững nghiệp vụ, phối hợp với các hội viên khác và hiệp hội để giải quyết các bất cập.
Theo ông Trương Văn Cẩm, nếu doanh nghiệp xuất nhập khẩu dệt may và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hợp tác với nhau sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của cả hai phía.

Tuy nhiên, nếu muốn hợp tác tốt các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu về hoạt động, các điểm mạnh, điểm yếu để bổ sung cho nhau trên tinh thần thiện chí, cùng có lợi.

>>>HANOI TEX 2017 giúp doanh nghiệp dệt may tiếp cận công nghệ sản xuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục