"Chi phí" trực tiếp và gián tiếp của cuộc xung đột Nga-Ukraine

06:30' - 01/12/2022
BNEWS Theo trang mạng ASPI Strategist, cuộc xung đột ở Ukraine đang ngốn những khoản chi phí khổng lồ.

Mặc dù Ukraine có 45 triệu dân, nhưng sản lượng hàng năm của nền kinh tế nước này trước cuộc xung đột chỉ lớn hơn một chút so với của bang New South Wales (Australia). Thu nhập của Ukraine trước cuộc xung đột ngang bằng với thu nhập của Paraguay hoặc Fiji.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính nền kinh tế thế giới vào năm 2023 sẽ giảm 2.800 tỷ USD so với ước tính vào tháng 12/2021, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Các chi phí - cả về tài chính và nhân lực - rõ ràng là rất lớn đối với bản thân Ukraine. Quân đội Mỹ ước tính 40.000 dân thường Ukraine đã thiệt mạng, trong khi thương vong của quân đội Ukraine là 100.000 người. Khoảng 6,8 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước, trong khi khoảng 6,6 triệu người phải sơ tán ở trong nước.

Một phân tích về chi phí kinh tế do Chính phủ Ukraine, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban châu Âu phối hợp thực hiện ước tính rằng thiệt hại trực tiếp là gần 100 tỷ USD. Thiệt hại về nhà ở là 39 tỷ USD, cơ sở hạ tầng giao thông là 30 tỷ USD, thương mại và công nghiệp là 10 tỷ USD và năng lượng là 3 tỷ USD. Bản phân tích được công bố hồi tháng 8/2022.

Ngoài những thiệt hại trực tiếp, còn có những thiệt hại gián tiếp do sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ, ô nhiễm đất và di dời dân cư. Tổng thiệt hại lên tới hơn 250 tỷ USD. Chi phí xây dựng lại và khử nhiễm xạ lên tới 350 tỷ USD, và những nhu cầu cấp thiết nhất tiêu tốn khoảng 105 tỷ USD.

Đã có sự hỗ trợ đáng kể về ngân sách của phương Tây cho Ukraine, ngoài việc cung cấp thiết bị quân sự. Phân tích của Viện Kiel (Đức) ước tính rằng hỗ trợ tài chính song phương là 37 tỷ USD Mỹ tính từ tháng 1 đến tháng 10/2022, trong khi viện trợ nhân đạo là 15 tỷ USD, còn viện trợ quân sự là 40 tỷ USD.

Mỹ đã hỗ trợ 44% ngân sách, 66% viện trợ nhân đạo và 71% viện trợ quân sự. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội trong tháng này cung cấp thêm 37 tỷ USD viện trợ khẩn cấp.

Dù nhận được viện trợ, song Ukraine vẫn có lỗ hổng ngân sách khá lớn. Doanh thu thuế của Ukraine đã giảm 27%, nhưng chi tiêu - bao gồm cả cho cả quân đội - đã tăng 40%. Chính phủ đã phát hành trái phiếu cuộc xung đột để giúp trang trải chi phí cho quân đội, đồng thời tìm kiếm nguồn tài trợ trực tiếp từ Ngân hàng Quốc gia Ukraine. Đến cuối tháng 6/2022, ngân hàng trung ương hỗ trợ chính phủ 7,7 tỷ USD.

Chi phí của cuộc xung đột đối với Nga là khá nhỏ khi so sánh với Ukraine. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức giảm GDP trong năm nay của Nga chỉ là 3,4%, so với mức giảm ước tính 8,5% hồi tháng 4/2022.

IMF không đưa ra dự báo nào về Ukraine, nhưng các ước tính độc lập cho rằng GDP của Ukraine sẽ giảm từ 30-40% trong năm nay. Tuy nhiên, chi phí cuộc xung đột đối với Nga đang tăng lên và cuối cùng sẽ tác động lớn đến mức sống của người Nga.

Trong ngắn hạn, gánh nặng ngân sách trực tiếp phải hỗ trợ cho một hoạt động quân sự lớn và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang siết chặt cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Chính phủ Nga tuần trước đã huy động được số trái phiếu trị giá tương đương 13,6 tỷ USD để giúp tài trợ cho nỗ lực quân sự.

Bản cập nhật của Tình báo Quốc phòng Vương quốc Anh lưu ý rằng chi tiêu "quốc phòng" được tuyên bố của Nga cho năm 2023 đã tăng hơn 40%, lên tương đương 84 tỷ USD so với ước tính được đưa ra năm 2021, thời điểm trước cuộc xung đột.

Tác động của các biện pháp trừng phạt đang thể hiện theo những cách không ngờ tới. Việc thiếu vòng bi chịu tải nặng - tất cả đều được nhập khẩu từ Thụy Điển và Mỹ - đã buộc ngành đường sắt Nga phải dừng hoạt động của 10.000 toa xe chở hàng. Công ty Vận tải Quốc gia Nga đã cảnh báo rằng đội tàu quốc gia gồm 200.000 toa xe đang gặp rủi ro. Vận chuyển hàng hóa đường sắt là một dịch vụ kinh tế then chốt ở một đất nước rộng lớn như vậy.

Sản lượng xe cơ giới của Nga, vốn chỉ dưới 3 triệu chiếc hồi năm 2021, đã giảm xuống chỉ còn 281.000 chiếc trong nửa đầu năm nay. Điện thoại di động, máy tính… đều khan hiếm. Việc hủy các hợp đồng thuê máy bay, bảo trì đã dẫn đến sự đổ vỡ của ngành hàng không nội địa. Các dấu hiệu khác về áp lực kinh tế bao gồm tỷ lệ phá sản tăng 33% và vay tiêu dùng giảm 40%.

Việc mất khả năng tiếp cận với công nghệ phương Tây sẽ để lại những tác động lâu dài. Ở cấp độ người tiêu dùng, người Nga đã mất quyền truy cập vào Spotify, Airbnb, eBay, PayPal và một loạt nhà cung cấp trò chơi. Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc và Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đều đã ngừng cung cấp cho Nga. 

Về cơ bản, Nga đã mất quyền truy cập vào phần mềm quan trọng của phương Tây trong một loạt hoạt động kinh doanh. Hợp tác nghiên cứu với các đối tác phương Tây cũng đã dừng lại. Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống này. "Người khổng lồ" Huawei của Trung Quốc có thể cung cấp điện thoại thông minh và cơ sở hạ tầng truyền thông. 

Cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Ukraine đã giúp Nga duy trì doanh thu xuất khẩu khi khối lượng xuất khẩu giảm. Xuất khẩu năng lượng của Nga ban đầu không bị phương Tây trừng phạt. Nga đã cố gắng tận dụng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của mình làm đòn bẩy, đơn phương cắt giảm dòng khí đốt trước mùa Đông. Nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu đã giảm xuống 20% so với mức trước cuộc xung đột.

Các quốc gia lớn ở châu Âu dường như đã đáp ứng nhu cầu của mùa Đông này. Đức trong tháng này đã khai trương kho cảng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên và việc mở rộng hơn nữa khả năng sử dụng LNG của Mỹ được lên kế hoạch trong năm tới.

Các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga từ ngày 5/12, cấm cung cấp bảo hiểm và tài chính thương mại cho các tàu chở dầu của Nga, trừ khi dầu được bán ở mức dưới mức giá trần do G7 quy định. Đã có những cảnh báo rằng kế hoạch này có thể phản tác dụng nếu Nga từ chối bán dầu theo các điều khoản này.

Chi phí dài hạn lớn nhất đối với Nga sẽ đến từ việc mất thị trường Liên minh châu Âu, thị trường mà trước cuộc xung đột chiếm 37,9% xuất khẩu và 36,5% nhập khẩu của Nga. Nếu Nga sử dụng xuất khẩu khí đốt của mình như một hình thức xung đột kinh tế, chắc chắn Nga khó có thể lại lấy được lòng tin của khách hàng châu Âu.

Đối với thế giới nói chung, chi phí lớn nhất từ cuộc xung đột Ukraine đến từ việc giá năng lượng và ngũ cốc tăng, đặc biệt là việc chuyển giao tài sản trị giá 2.000 tỷ USD từ người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng năng lượng sang các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Những thay đổi này đã làm tăng thêm áp lực lạm phát vốn đã căng thẳng và góp phần vào việc tăng nhanh lãi suất chính thức mà vốn đang bóp nghẹt nền kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục