Chí phí vận chuyển dầu khí bằng đường biển ngày càng cao
Báo La Tribune mới đây dẫn báo cáo thường niên về giao thông hàng hải của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), cho biết năng lực suy yếu của đội tàu chở dầu trên thế giới khiến chi phí vận tải biển tăng cao, trong khi nhu cầu của châu Âu đang gây áp lực mạnh lên lĩnh vực vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Vận tải là một chỉ số cho thấy sức khỏe của hoạt động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên mới công bố, UNCTAD đã lưu ý rằng trong năm 2022, lĩnh vực này có một “môi trường phức tạp”. Có hai sự kiện đã gây ra rất nhiều xáo trộn: Thứ nhất, hoạt động kinh tế của Trung Quốc, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, bị chậm lại do chính sách “Không COVID” nghiêm ngặt và kéo dài khiến nhiều nhà máy bị đóng cửa và hoạt động sản xuất, logistics và chuỗi cung ứng bị gián đoạn . Thứ hai, cuộc xung đột tại Ukraine dẫn đến việc đóng cửa một phần các cảng ở Biển Đen. Ngoài ra, còn phải kể đến các cuộc đình công ở nhiều cảng quốc tế, đặc biệt là ở Nam Phi, Đức, Hàn Quốc và Anh. Hoạt động hàng hải cũng bị gián đoạn bởi “các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt” như lũ lụt, bão tố và sóng nhiệt ở Australia, Brazil, Pakistan, Đông Phi, châu Âu và Mỹ. Báo cáo của UNCTAD cho biết “trong quý IV/2022, các chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, vì bóng ma suy thoái và đình đốn”. Tuy nhiên, giá vận tải biển đối với dầu và khí đốt dự kiến sẽ tăng. Sau khi chạm mốc thấp lịch sử vào năm 2021 (với mức giá trung bình 6.416 USD mỗi ngày so với đỉnh điểm gần 70.000 USD mỗi ngày được ghi nhận trong năm 2020, nhân với số ngày vận chuyển), chi phí chuyên chở "vàng đen" bắt đầu tăng từ tháng Tám và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 “do nhu cầu và khối lượng giao dịch dầu tăng cũng như việc tổ chức lại các dòng chảy của loại năng lượng này do hệ lụy của cuộc xung đột Nga-Ukraine”. Trên thực tế, Nga là nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề mà phương Tây áp đặt đối với nước này đã làm thay đổi trật tự.Các nước thành viên Liên minh châu Âu (trừ một số trường hợp ngoại lệ như Hungary) đã chấm dứt nhập khẩu dầu thô từ Nga kể từ ngày 5/12 và sẽ chấm dứt nhập khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu từ ngày 5/2/2023, trong khi các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã quyết định áp đặt giá trần đối với loại hàng hóa đặc biệt này.
Cho đến nay, một phần dầu thô của Nga đã được chuyển đến Trung Quốc và Ấn Độ. Sự dịch chuyển này được dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới, do vậy sẽ phải huy động thêm năng lực vận tải biển do khoảng cách địa lý lớn hơn. Kết quả sẽ “làm tăng giá dầu, lạm phát và chi phí sinh hoạt, đồng thời còn làm gia tăng bất ổn kinh tế và tâm lý chán nản của các nhà đầu tư". Giá vận tải biển còn tăng do nhiều tàu chở dầu không đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường và phải ngừng hoạt động. Từ đầu năm 2023, chỉ số hiệu suất năng lượng đối với các tàu hiện có (EEXI) và chỉ số cường độ carbon (CII) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) sẽ được áp dụng. Mục tiêu đặt ra là giảm 40% cường độ phát thải carbon của tất cả các tàu vào năm 2030 so với năm 2008. Trong khi đó, đội tàu chở dầu trên thế giới đang ngày càng già đi. Tuổi trung bình của tàu chở dầu đã tăng từ 16,4 năm vào năm 2011 lên 19,7 năm vào năm 2022 (so với 13,7 năm của tàu chở container). Điều này sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng giảm dung lượng vận chuyển trong bối cảnh đầu tư cho lĩnh vực đóng tàu chở dầu đang có dấu hiệu suy giảm. Năm 2021, dung lượng vận chuyển dầu được giao giảm 12%, trong khi dung lượng theo đơn đặt hàng giảm 13,5% và đây là mức thấp lịch sử. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp của khí LNG. Năm 2021, dung lượng vận chuyển LNG được giao đã tăng 54% và dung lượng theo đơn đặt hàng tăng 26%. Nhu cầu LNG đang thực sự bùng nổ, đặc biệt là ở châu Âu. Theo báo cáo của UNCTAD, “tàu có trọng tải tăng nhanh nhất chính là các loại chở LNG, tiếp theo mới là các tàu container và tàu chở hàng rời”. Năm 2021, xuất khẩu LNG tăng 5,6% so với mức 0,4% của năm 2020, đặc biệt do nhu cầu của châu Á mà đứng đầu là Trung Quốc. Các số liệu đã có sự thay đổi mạnh vào năm 2022, đặc biệt là do các nước châu Âu có nhu cầu bù đắp cho sự thiếu hụt khí đốt nhập khẩu từ Nga, vốn chủ yếu được giao trước tháng 2/2021 bằng các tuyến đường ống. Trong báo cáo triển vọng mới nhất, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhập khẩu LNG của châu Âu sẽ tăng hơn 60 tỷ m3 trong năm 2022, cao gấp đôi khả năng xuất khẩu LNG của thế giới. Điều này sẽ gây áp lực mạnh lên các giao dịch thương mại LNG trong ngắn hạn và trung hạn./.- Từ khóa :
- LNG
- tàu chở khí đốt
- chi phí vận chuyển dầu khí
Tin liên quan
-
Thị trường
EU xem xét đề xuất mới về trần giá khí đốt
07:52' - 07/12/2022
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã xem xét đề xuất mới nhất về mức giá trần khí đốt thấp hơn, ở mức 220 euro (231 USD)/MWh
-
Ý kiến và Bình luận
Romania bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang Moldova
09:09' - 06/12/2022
Romania đã bắt đầu vận chuyển khí đốt đến Moldova trong bối cảnh quốc gia nghèo khó nhỏ bé giáp Ukraine này đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng.
-
Doanh nghiệp
Tập đoàn Chevron phát hiện mỏ khí đốt mới tại Ai Cập
07:20' - 06/12/2022
Tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ vừa phát hiện một mỏ khí đốt mới được đặt tên là "Narges-1X", ở khu vực ngoài khơi Narges gần thành phố Al-Arish, thuộc tỉnh Bắc Sinai của Ai Cập.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Các thương vụ M&A có thể tăng tốc trong nửa cuối năm 2025
17:08'
Các ngân hàng trên Phố Wall đã bày tỏ sự lạc quan về đà phục hồi của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong năm nay.
-
Kinh tế Thế giới
Thúc đẩy hợp tác Việt-Nga về giảm phát thải khí carbon, chống biến đổi khí hậu
17:08'
Với quyết tâm hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam mong muốn có thể đóng góp nhiều hơn vào những nỗ lực chung nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu về môi trường và khí hậu.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ áp thuế với mọi hàng hóa của Canada
12:19'
Thủ tướng Canada cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên MSNBC rằng Canada sẽ đáp trả bằng các mức thuế quan đối với Mỹ nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế 25% đối với hàng hóa của Canada.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ thành lập Sở Thuế vụ Nước ngoài để thu thuế nhập khẩu
10:24'
Việc thành lập một cơ quan mới đòi hỏi phải được Quốc hội thông qua bằng một đạo luật và đảng Cộng hòa hiện nắm giữ đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện.
-
Kinh tế Thế giới
Nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh: Ngành công nghiệp ô tô phục hồi mạnh mẽ
08:11'
Anfavea - Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Brazil thông báo nước này đã xuất xưởng 2,55 triệu xe trong năm 2024, tăng 9,7% so với năm 2023.
-
Kinh tế Thế giới
Hàng không châu Âu hướng tới tương lai bền vững
07:57'
Các hãng hàng không và các nhà khai thác sân bay cần tăng cường hợp tác để triển khai nhiên liệu hàng không bền vững trong giảm khí thải carbon.
-
Kinh tế Thế giới
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025
21:24' - 14/01/2025
Kết quả khảo sát mới nhất của Reuters cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm xuống mức 4,5% vào năm 2025 và tiếp tục lùi về 4,2% vào năm 2026.
-
Kinh tế Thế giới
Thái Lan sẽ siết chặt kiểm soát chất lượng trái cây xuất khẩu
17:50' - 14/01/2025
Thái Lan sẽ cải thiện kiểm soát chất lượng đối với tất cả các loại trái cây xuất khẩu, sau khi hải quan Trung Quốc kiểm tra nghiêm ngặt kết quả xét nghiệm hợp chất hữu cơ Basic Yellow 2...
-
Kinh tế Thế giới
Thái Lan thu hút đầu tư kỷ lục trong năm 2024
13:00' - 14/01/2025
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan đã thu hút lượng đầu tư kỷ lục trong năm 2024, với các đơn đăng ký vượt quá 1.130 tỷ baht, mức cao nhất trong thập kỷ qua.