Chi phí xét nghiệm Adenovirus là bao nhiêu?

11:21' - 05/10/2022
BNEWS Adenovirus là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến trên thế giới, loại virus này có khả năng gây viêm đường hô hấp ở người, đặc biệt là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Các phương pháp xét nghiệm Adenovirus

Triệu chứng lâm sàng của bệnh Adenovirus rất đa dạng, một số dấu hiệu có thể gây nhầm lẫn với các bệnh do virus khác gây ra ở đường hô hấp. Do đó, xét nghiệm được xem là phương pháp cho kết quả chính xác nhất.

Việc xét nghiệm được thực hiện với những người có dấu hiệu bệnh nhằm phát hiện kháng nguyên virus hoặc sự tồn tại của virus trong mẫu bệnh phẩm. Phương pháp xét nghiệm phổ biến để xác định virus gồm:

Test nhanh: Mẫu bệnh phẩm được sử dụng là phân của người bệnh, có thể dùng kính hiển vi hoặc kỹ thuật ELISA để tìm sự tồn tại của virus. Thời gian cho kết quả sau khoảng 60 phút kể từ khi lấy mẫu.

Real Time PCR: Mẫu bệnh phẩm sử dụng là dịch tỵ hầu và thời gian trả kết quả là sau khoảng 3-4 ngày.

Chi phí xét nghiệm Adenovirus là bao nhiêu?

Xét nghiệm là phương pháp có thể đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Trong đó, chi phí xét nghiệm Adenovirus cũng là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Theo các chuyên gia, các loại xét nghiệm khác nhau sẽ tương ứng với các mức giá khác nhau. 

Tại một số cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám xét nghiệm Adenovirus đang có nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, test nhanh giá 239.000 đồng, xét nghiệm Elisa giá 390.000 đồng, xét nghiệm PCR giá từ 1,1 triệu đến 1,2 triệu đồng.

 

Xét nghiệm Adenovirus ở đâu?

Để xét nghiệm Adenovirus, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín, bệnh viện lớn để kết quả xét nghiệm chính xác.

Khi nào cần đưa trẻ đi xét nghiệm Adenovirus?

Khi nhiễm virus Adeno, trẻ có thể xuất hiện một số triệu chứng như sổ mũi, đau họng, đau mắt đỏ, sốt cao, viêm tiểu phế quản, viêm phổi,... Bên cạnh đó, một số type của virus Adeno còn có thể gây ra một số vấn đề ở đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau quặn bụng,... Với những trẻ nhiễm virus gây những ảnh hưởng trực tiếp đến bàng quang có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng bàng quang, tiểu ra máu, tiểu buốt. 

Triệu chứng ở mỗi trẻ có thể khác nhau. Đối với những trẻ mắc phải một số bệnh lý mạn tính hoặc bị suy giảm hệ thống miễn dịch, triệu chứng bệnh có thể nghiêm trọng hơn và trẻ có nguy cơ cao phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm. 

- Nếu trẻ xuất hiện những biểu hiện sau, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sớm để phòng tránh tối đa nguy cơ biến chứng: 

+ Trẻ bị sốt cao trong nhiều ngày, đã sử dụng thuốc hạ sốt nhưng không cắt sốt. 

+ Trẻ có nhiều biểu hiện bất thường về đường hô hấp. 

+ Trẻ bị đau mắt hay một số vấn đề về thị lực. 

+ Trẻ có biểu hiện nôn, tiêu chảy, khô miệng, mệt mỏi, tiểu ít,....

- Nếu xuất hiện những triệu chứng sau, trẻ cần được nhập viện điều trị sớm:

+ Khó thở, thở nhanh, khó thở thanh quản và xuất hiện tình trạng rút lõm lồng ngực. 

+ Suy hô hấp, giảm oxy máu, chỉ số SpO2 thấp hơn 94%.

+ Trẻ có những biểu hiện nghiêm trọng như co giật, li bì, nôn, không uống được thuốc. 

+ Các trường hợp mắc bệnh nền nghiêm trọng cũng nên nhập viện điều trị, có thể kể đến như tình trạng suy dinh dưỡng nặng, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch, suy giảm hệ thống miễn dịch,...

+ Các trường hợp có kết quả chụp X-quang thấy rõ những tổn thương phổi, hoại tử phổi hay áp xe phổi cũng cần nhập viện điều trị càng sớm càng tốt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục