Chỉ số chứng khoán châu Á leo lên mức cao nhất trong bốn tháng

16:54' - 31/01/2019
BNEWS Trong phiên giao dịch ngày 31/1, chứng khoán châu Á bật tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định sẽ "kiên nhẫn" trong lộ trình nâng lãi suất sắp tới.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là dấu hiệu cho thấy chu kỳ thắt chặt tiền tệ đang dần khép lại, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,9%, chạm mức cao nhất kể từ ngày 4/10/2018. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 216,95 điểm (1,06%), lên 20.773,49 điểm, nhờ tâm lý mua vào các tài sản rủi ro của giới đầu tư được đẩy mạnh và tuyên bố mới nhất của Fed về chính sách lãi suất.

Tại cuộc họp chính sách ngày 30/1, Fed thông báo giữ nguyên lãi suất do nhiều yếu tố không thuận lợi, đồng thời phát đi những tín hiệu về khả năng chương trình thắt chặt chính sách tiền tệ của cơ quan này có thể sớm chấm dứt. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết khả năng tăng lãi suất đã "yếu đi" trong những tuần gần đây do lạm phát hoặc tính ổn định tài chính không còn được coi là những rủi ro. Ngoài ra, những "cơn gió ngược" - bao gồm đà tăng trưởng chậm lại ở các nước bên ngoài, vết thương tự gây ra bởi các chính sách thương mại của Washington cũng như việc Chính phủ liên bang Mỹ phải đóng cửa một phần - đã khiến triển vọng của nền kinh tế ít chắc chắn hơn. Theo ông Powell, đà tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng hiện giờ không còn chắc chắn như một tháng trước.

Động thái trên của Mỹ đã giúp hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á phủ sắc xanh trong phiên này. Chỉ số Sensex của Ấn Độ tăng 1,2%, lên 36.004,32 điểm. Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đua nhau đi lên. Chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt ghi thêm 8,99 điểm (0,35%) và 299,62 điểm (1,08%), đóng cửa ở mức 2.584,57 điểm và 27.942,47 điểm.

Tuy nhiên, tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi lại để tuột mất đà tăng ở đầu phiên và hạ 0,1%, xuống 2.204,85 điểm sau khi tập đoàn điện tử hàng đầu nước này là Samsung Electronics báo cáo rằng lợi nhuận hoạt động của tập đoàn này trong quý IV/2018 giảm gần 30%. Trong khi đó, tại thị trường Sydney của Australia, chỉ số A&P/ASX 200 cũng mất 0,4%, xuống 5.864,70 điểm.

Các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc ngày 30/1 đã trở lại bàn đàm phán tại Washington để thảo luận về phương hướng hợp tác nhằm tránh đẩy tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang. Nhà Trắng cho biết, mục đích của cuộc đàm phán thương mại này là "đạt được sự thay đổi về cấu trúc cần thiết tại Trung Quốc", yếu tố mà Washington cho rằng ảnh hưởng đến thương mại song phương.

Cũng trong phiên này, chỉ số đồng USD, thước đo đánh giá diễn biến đồng bạc xanh so với rổ sáu đồng tiền quốc tế chủ chốt, tiếp tục hạ, chạm mức thấp nhất trong ba tuần là 95,204. Sự suy yếu của đồng USD đã giúp nâng đỡ đồng euro, lên 1.1509 USD/euro, cao nhất kể từ ngày 11/1. Đồng nội tệ Mỹ cũng hạ khoảng 0,3% so với đồng yen Nhật Bản, xuống mức thấp nhất hai tuần là 108,695 yen/USD. Đồng bảng Anh cũng mạnh lên so với đồng USD trong phiên 31/1, lên 1,3127 USD/bảng Anh, sau khi chứng kiến đà giảm từ đầu tuần do lo ngại về khả năng "Brexit không thỏa thuận".

Đóng cửa phiên giao dịch 31/1, trên thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 5,19 điểm (0,57%) còn 910,65 điểm.

Khối lượng giao dịch đạt hơn 138 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 3.180 tỷ đồng. Toàn sàn có 144 mã tăng, 128 mã giảm.

Trong khi đó, HNX - Index đóng cửa ở mức 102,88 điểm, tăng 0,07 điểm (0,07%). Khối lượng giao dịch đạt trên 21 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 243 tỷ đồng. Toàn sàn có 62 mã tăng và 63 mã giảm.

Phiên hôm nay nhiều cổ phiếu lớn lao dốc khiến thị trường giảm điểm. Tác động lớn đến thị trường hôm nay là các cổ phiếu như: VHM giảm 2,4%, BVH giảm 4,5%, HPG giảm 4,5%, MSN giảm 1,8%, VRE giảm 0,3%.

Cùng với đó, một số cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh và tác động tiêu cực lên thị trường. BID giảm 0,6%, CTG giảm 3,7%, TCB giảm 0,4%, TPB giảm 0,5%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục