Chỉ số CPI tháng 10 của Tp. Hồ Chí Minh tăng 0,38%

11:38' - 30/10/2019
BNEWS Theo Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Tp. Hồ Chí Minh tăng 0,38% so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2019 của Thành phố tăng 3,78% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số CPI tháng 10 của Tp. Hồ Chí Minh tăng 0,38%. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo đó, 7/11 nhóm hàng tăng so tháng trước, bao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,5%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; nhóm nhà ở điện nước tăng 0,37%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; nhóm giao thông tăng 1,09%; nhóm giáo dục tăng 0,15%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,08%.

Ở chiều ngược lại, có 3/11 nhóm hàng giảm, gồm nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,09%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,02%. Còn lại nhóm thiết bị đồ dùng gia đình không thay đổi so tháng trước.

Phân tích cụ thể một số nhóm ngành hàng thay đổi so với tháng trước, Cục Thống kê Thành phố cho biết, nhóm hàng ăn sau khi tăng nhẹ ở tháng 9 (tăng 0,18%), qua tháng 10 tiếp tục tăng so tháng trước với mức tăng (tăng 0,50%); trong đó, nhóm 11 thực phẩm tăng cao (tăng 0,69%) và nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,31%.  

Nhóm thực phẩm tiếp tục tăng (tăng 0,69%) so tháng trước; trong đó tăng cao nhất là giá thịt lợn, tăng 4,16%. Trước bối cảnh nhu cầu thịt lợn tăng cao dịp cuối năm và tổng đàn giảm mạnh bởi dịch bệnh, Bộ Công Thương dự báo giá lợn hơi sẽ còn tăng mạnh.

Các nhóm mặt hàng tăng so tháng trước gồm thịt chế biến (tăng 0,86%); dầu mỡ ăn (tăng 0,68%); thủy sản chế biến (tăng 1,64%); rau các loại (tăng 0,78%).

Theo Cục Thống kê thành phố, giá một số mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm tăng nhẹ là do trong tháng 9 một số mặt hàng được khuyến mãi, bước qua tháng 10 các mặt hàng này đã được bán với mức giá bình thường nên chỉ số tăng nhẹ.

Riêng các mặt hàng rau củ quả tăng cao so tháng trước là do mưa lớn, gây lũ lụt trên diện rộng, thời tiết không thuận lợi, nguồn cung nhiều loại rau, củ, quả lại liên tục giảm nhiều, do đó đã tác động làm giá các mặt hàng này tăng cao.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,37% so tháng trước; trong đó, giá cho thuê nhà cấp 4 và chung cư tăng 0,45%, giá vật liệu xây dựng tăng 0,15% mặc dù thời điểm này không phải tháng cao điểm của hoạt động xây dựng, riêng giá gas và giá dầu hỏa tăng khá so tháng trước với mức tăng lần lượt (5,68% và 1,11%).

Do giá gas thế giới tháng 10 đã tăng 72,5 USD/tấn so với giá gas tháng 9, nên giá gas bán lẻ trong tháng 10 đến tay người tiêu dùng cũng tăng (tăng 2.000 đồng/kg từ ngày 1/10).

Tương tự, giá dầu hỏa được điều chỉnh tăng 1 đợt vào ngày 1/10, tuy nhiên mức tăng của giá dầu hỏa không cao (tăng 1,11%) do giá dầu hỏa có một đợt điều chỉnh giảm 528 đồng/lít vào ngày 16/10/2019.

Còn lại các mặt hàng khác trong nhóm này biến động không đáng kể so với tháng trước.

Cùng chiều hướng tăng là nhóm giao thông với mức tăng 1,09% so với tháng trước; trong đó, giá xăng A95, xăng E5 và dầu diezel sau hai lần điều chỉnh (một lần điều chỉnh tăng và một lần điều chỉnh giảm), bình quân từ 1/10/2019 đến 31/10/2019 đã tăng so tháng trước 2,24%. Bên cạnh đó, giá vé tàu hỏa cũng được điều chỉnh giảm 0,62% so với tháng trước.

Về chỉ số giá vàng và USD, theo Cục Thống kê Thành phố, chỉ số giá vàng tháng 10/2019 giảm 0,71% so với tháng trước, tăng 14,96% so với tháng 12/2018 và tăng 14,68% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá USD tháng 10/2019 giảm 0,01% so tháng trước, giảm 0,47% so với tháng 12/2018 và giảm 0,56% so với cùng tháng năm 2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục