Chỉ số Dow Jones mất hơn 230 điểm do tình hình Trung Đông căng thẳng

11:41' - 04/01/2020
BNEWS Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã khép lại một tuần giao dịch bị rút ngắn do nghỉ lễ, với chỉ số Dow Jones mất hơn 230 điểm, sau khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/ TTXVN

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã khép lại một tuần giao dịch bị rút ngắn do nghỉ lễ, với chỉ số Dow Jones mất hơn 230 điểm, sau khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang và hoạt động chế tạo của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 233,92 điểm, hay 0,8%, xuống 28.634,8 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23 điểm, hay 0,7%, xuống 3.234,85 điểm.

Chỉ số Nasdaq Composite giảm 71,42 điểm, hay 0,8%, xuống 9.020,77 điểm. Tuy nhiên, cả ba chỉ số đều bứt lên khỏi các mức thấp trong phiên.

Theo Dow Jones Market Data, mức giảm trên của chỉ số Dow Jones và S&P 500 là mạnh nhất kể từ ngày 3/12 và của chỉ số Nasdaq Composite là mạnh nhất kể từ ngày 2/12.

Trong cả tuần, chỉ số S&P 500 mất 0,2% và chỉ số Dow Jones giảm hơn 0,1%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,2%.

Lầu Năm Góc cho biết quân đội nước này đã tiêu diệt Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, và nói rằng cuộc không kích của Mỹ vừa qua là nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai của Iran.

Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố Iran sẽ quyết tâm hơn để chống Mỹ, đáp trả vụ Mỹ không kích sát hại Tướng Soleimani.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Mỹ vẫn sẵn sàng và đã chuẩn bị hành động nếu người Mỹ bị đe dọa.

Khả năng Iran đáp trả mạnh mẽ có thể khiến các nhà giao dịch vẫn lo ngại trong những ngày tới.

Trong khi đó, biên bản cuộc họp lần trước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cho thấy các quan chức lạc quan hơn về nền kinh tế, khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc dịu bớt, dù vẫn còn những lo ngại về tăng trưởng khi lạm phát vẫn thấp.

Số liệu về hoạt động chế tạo của Mỹ được công bố ngày 3/1 yếu hơn dự báo cũng cho thấy những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế.

Theo Viện quản lý nguồn cung, chỉ số nhà quản lý mua hàng của lĩnh vực này tháng 12/2019 giảm xuống mức 47,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009, so với mức 48,1% của tháng 11/2019, có nghĩa hoạt động chế tạo vẫn tiếp tục giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục