Chỉ số Dow Jones và S&P giảm hai tuần liên tiếp

11:05' - 22/05/2021
BNEWS Tuần qua, hai trong ba chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Phố Wall giảm điểm, với mối quan ngại về lạm phát là nhân tố chính chi phối tâm lý nhà đầu tư.

Trong ba phiên 17-19/5, các chỉ số chủ chốt trên thị trường đều hạ với nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà giảm và “phủ mây đen” lên cả thị trường.

Nguyên nhân chủ yếu là do tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 4/2021 ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008.

Số liệu này làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất, động thái có thể tác động tiêu cực đến lợi ích của các công ty công nghệ.

Nhóm cổ phiếu viễn thông cũng bị giảm giá. Đáng chu ý, giá cổ phiếu của “ông lớn” ngành viễn thông AT&T Inc đã giảm liên tục khi công ty viễn thông này thông báo sẽ giảm tỷ lệ chia cổ tức sau thỏa thuận sáp nhập đơn vị sở hữu nội dung của mình là WarnerMedia với hãng truyền thông Discovery trị giá 43 tỷ USD.

Đà giảm có phần thu hẹp vào phiên 19/5 và sắc xanh đã trở lại thị trường vào phiên 20/5 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách cho thấy ngân hàng này đang tiến gần hơn đến việc thay đổi chính sách tiền tệ, nhưng chưa vội vàng hành động như vậy.

Tâm lý tích cực lan sang phiên giao dịch cuối tuần 21/5, song mối quan ngại về lạm phát vẫn khiến thị trường diễn biến chậm chạp và các chỉ số dao động trong biên độ hẹp.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 34.207,84 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,5% xuống 13.470,99 điểm, và chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng giảm nhẹ 0,1% và đóng cửa phiên ở mức 4.155,86 điểm.

Tính chung cả tuần, Dow Jones giảm 0,5% và S&P 500 hạ 0,4%, ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai.

Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,3% so với tuần trước, chấm dứt 4 tuần giảm liên tiếp trước đó.

Theo ông Sandy Villere, giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Villere & Co. (Mỹ), nhận định phiên giao dịch ngày 21/5 là “khá yên ắng” nhưng lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà đầu tư. Mọi sự đồn đoán đều đang hướng đến câu hỏi liệu Fed sẽ tiếp tục cố gắng giữ lãi suất thấp trong bao lâu.

Giới đầu tư lo ngại rằng một nền kinh tế phát triển quá nóng sẽ khiến Fed giảm dần chính sách hỗ trợ về tiền tệ.

Các quan chức Fed đã nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chương trình mua trái phiếu quy mô lớn và mức lãi suất thấp kỷ lục trong thời gian cần thiết cho đến khi nền kinh tế tạo đủ việc làm và lạm phát vượt 2% trong một thời gian.

Biên bản cuộc họp của Fed mới đây cũng cho thấy một số quan chức tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể sớm đủ mạnh để giảm dần việc mua tài sản, một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự thay đổi chính sách tiền tệ nới lỏng của ngân hàng này. Oxford Economics dự đoán Fed sẽ chính thức thay đổi chính sách tiền tệ vào tháng 8/2021.

Liên quan đến các số liệu kinh tế công bố cùng ngày, IHS Markit - công ty chuyên thu thập kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) công bố chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ đã tăng từ 63,5 (điểm) trong tháng Tư lên mức kỷ lục 68,1 trong tháng Năm ngưỡng 50 (điểm) là mức chuẩn để phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

PMI lĩnh vực dịch vụ tăng lên 70,1, còn chỉ số PMI ngành sản xuất tăng từ 60,5 lên 61,5 điểm trong tháng Năm.

Tuy nhiên, số liệu về thị trường nhà ở thì kém sáng hơn. Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản quốc gia Mỹ (NAR), doanh số bán nhà hiện có trong tháng Tư đã giảm 2,7% xuống 5,85 triệu căn.

Các chuyên gia kinh tế của Oxford Economics nhận định, số nhà rao bán giảm đi và giá nhà tăng lên là những yếu tố hạn chế doanh số bán nhà, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp.

Các nhà phân tích chiến lược đang ngày càng nghiêng về ý kiến cho rằng áp lực lạm phát do hậu quả của đại dịch COVID-19 chỉ là tạm thời.

Alex Kuptsikevich, nhà phân tích thị trường cấp cao tại FxPro, chỉ ra rằng: “Ý tưởng về lạm phát tạm thời dường như đang len lỏi trong tâm trí cộng đồng tài chính, giúp giảm bớt mối lo ngại về sự gia tăng giá cả hàng hóa".

Bên cạnh đó, các chính trị gia ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới đang tích cực thảo luận về các cách thức chống lại mối đe dọa lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục