Chỉ số MXV-Index về mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái

09:43' - 08/04/2025
BNEWS Áp lực giảm giá hàng hóa đến từ lo ngại về chính sách thuế mới của Mỹ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố không đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu không giải quyết được thâm hụt thương mại.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa toàn cầu tiếp tục chứng kiến đà giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/4, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn như Trung Quốc và EU leo thang, kéo theo làn sóng bán tháo trên nhiều nhóm hàng. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm hơn 1,6% về mức 2.113 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái

Theo MXV, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, nhóm nguyên liệu công nghiệp gây chú ý khi dẫn dắt đà giảm của toàn thị trường; trong đó, giá cà phê Arabica giảm gần 6% về mức 7.601 USD/tấn, giá cà phê Robusta giảm hơn 6,1% về mức 4.796 USD/tấn

Khí hậu thuận lợi với lượng mưa dồi dào tại Brazil và đồng Real (Brazil) suy yếu đã gây áp lực lên giá cà phê trong phiên đầu tuần. Theo báo cáo từ Cơ quan khí tượng Somar Meteorologia, bang Minas Gerais - khu vực trồng cà phê Arabica lớn nhất của Brazil đã nhận được 39 mm lượng mưa trong tuần kết thúc vào ngày 5/4, tương đương 188% mức trung bình lịch sử. Điều này cải thiện triển vọng năng suất cho vụ thu hoạch sắp tới. Bên cạnh đó, đồng Real của Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng rưỡi so với USD đã hỗ trợ các nhà sản xuất tăng cường xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, áp lực giảm giá còn đến từ lo ngại về chính sách thuế mới của Mỹ. Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ không đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu không giải quyết được thâm hụt thương mại. Điều này đã làm đẩy những lo ngại về tình trạng căng thẳng thương mại lên đỉnh điểm, qua đó kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường. Mỹ hiện là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới và cũng là nước tiêu thụ hàng đầu các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp.

Về tồn kho, lượng cà phê Arabica tại ICE tính đến ngày 7/4 tăng nhẹ lên 773.786 bao. Trong khi đó, lượng tồn kho Robusta giảm từ mức cao nhất trong 8 tuần vào ngày 25/3 là 4.414 lô về mức 4.304 lô tại ngày 7/4. Trên thị trường ca cao, hợp đồng tháng 5 giảm 5,39% xuống 8.053 USD/tấn – phiên giảm thứ hai liên tiếp. Các nhà giao dịch lo ngại về vụ thu hoạch giữa mùa tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới. Dù lượng ca cao cập cảng từ đầu vụ đến ngày 6/4 tăng 10,5% so với cùng kỳ, điều kiện thời tiết bất lợi được dự báo sẽ khiến sản lượng sụt giảm trong thời gian tới.

Căng thẳng cũng diễn ra trên thị trường năng lượng thế giới, giá dầu vẫn tiếp tục đà lao dốc khi sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn vẫn đang tiếp tục leo thang. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng 65 USD/thùng kể từ tháng 4/2021, chốt phiên ở mức 64,21 USD/thùng, giảm 2,09%. Giá dầu WTI cũng ghi nhận mức thấp nhất trong vòng bốn năm, giảm 2,08% xuống mốc 60,7 USD/thùng.

Sau khi Trung Quốc thông báo về kế hoạch trả đũa thuế đối ứng của Mỹ thì ngày hôm qua Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xem xét mức thuế suất 25% áp dụng lên một loạt mặt hàng từ Mỹ như đậu tương, hạnh nhân và các nông sản khác.

Phản ứng sau đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump càng làm bức tranh thị trường thêm phần u ám. Ông cho biết Mỹ sẽ áp dụng mức thuế suất bổ sung 50% lên lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày mai 9/4 nếu nước này áp dụng mức thuế 34% lên các sản phẩm từ Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ hủy bỏ mọi cuộc đối thoại với Trung Quốc về vấn đề thuế quan và đề nghị đàm phán từ phía Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, ông cũng bác bỏ các tin đồn về việc tạm ngưng kế hoạch áp thuế đối ứng lên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, kể cả từ những nước không có kế hoạch đáp trả và có mong muốn ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Tình hình này khiến các nhà đầu tư càng thêm bi quan về viễn cảnh giảm phát kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu dầu trong tương lai, làm giá dầu giảm sâu.

Ngoài ra, việc Saudi Arabia giảm giá dầu thô bán cho thị trường châu Á được nhận định là do các dự đoán nói trên về nhu cầu dầu sụt giảm đi kèm với số liệu về lượng dầu thô nhập khẩu vào các thị trường Châu Á trong quý I thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 27,08 triệu thùng xuống 26,44 triệu thùng. Giá dầu thô tại Nga cũng đã rơi xuống mốc thấp nhất kể từ năm 2023.

Giá dầu hiện cũng đang chịu áp lực từ cả phía nguồn cung. Mặc cho những biện pháp trừng phạt của Mỹ hiện đang có hiệu lực với dầu thô từ Iran và Venezuela, những tác động của nó lên giá dầu là không rõ ràng do kế hoạch tăng sản lượng dầu trong tháng 4 và tháng 5 của nhóm OPEC+. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục