Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp do đơn hàng giảm

11:42' - 02/07/2023
BNEWS Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao.
Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý 2/2023 đạt 1,56% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 giảm 0,75%; quý 2/2023 tăng 1,56%).

 
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 1,43%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37% (quý 1 giảm 0,49%; quý 2 tăng 1,18%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,45%.

Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 13,2%; khai thác quặng kim loại tăng 11,5%; sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,2%; thuốc lá tăng 6,7%; đồ uống tăng 5,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,6%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm là chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 7,7%; giấy, sản phẩm từ giấy giảm 7,5%; trang phục và sản xuất xe có động cơ cùng giảm 6,8%; máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4,7%; kim loại và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng giảm 4,6%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.

Theo đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: đường kính tăng 31,2%; xăng dầu tăng 13,4%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,9%; ti vi tăng 10,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 9,2%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là điện thoại di động giảm 19,2%; ô tô và thép thanh, thép góc cùng giảm 18,2%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; linh kiện điện thoại giảm 5,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 4,3%; phân U rê giảm 4,1%; xi măng giảm 3,9%; xe máy giảm 3,5%.

Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2023 tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,4%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2023 tăng 9,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1% (bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78%).

Về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tại thời điểm 01/6/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,2% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,9% so với cùng thời điểm năm trước; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,5% và giảm 3,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,1% và giảm 4,7%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,9% và giảm 4,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và giảm 1,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 1,2%.

Để đẩy mạnh sản xuất, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Sở Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, dự án, nhất là doanh nghiệp, dự án lớn trên địa bàn. Từ đó, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách địa phương và đề xuất Trung ương ban hành cơ chế, chính sách quốc gia để gỡ khó cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư – nhất là vốn dân doanh.

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn đang điều chỉnh, sắp xếp lại; đồng thời nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ, rào cản thương mại rất cần doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo tình hình thị trường...

Trên cơ sở này, doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn phù hợp với diễn biên thị trường, cũng như tìm ra những giải pháp dài hạn trong sản xuất hướng đến mục tiêu bền vững.

Để giải quyết thách thức về sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng..., doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với những xu hướng toàn cầu. Theo đó, doanh nghiệp cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghệ... mới đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa đáp ứng đa dạng thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục