Chỉ thị năm học mới 2019-2020: 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản

11:41' - 14/08/2019
BNEWS Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục, với 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản.
Sẽ có 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu được ngành Giáo dục thực hiện trong năm học 2019-2020. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu được ngành Giáo dục thực hiện trong năm học 2019-2020, cụ thể như sau:

Thứ nhất, toàn ngành rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước.

Thứ hai, ngành Giáo dục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó có việc rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm nguyên tắc ở “đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên”; xử lý dứt điểm việc hợp đồng giáo viên nhiều năm mà không thực hiện tuyển dụng viên chức tại một số địa phương.

Thứ ba, ngành tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc.

Thứ tư là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên. Tăng cường rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia bảo đảm minh bạch, khách quan, chính xác. Tăng cường các điều kiện dạy và học ngoại ngữ.

Nhiệm vụ thứ năm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đáng lưu ý là xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống bồi dưỡng giáo viên trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xây dựng và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu trực tuyến về giáo dục đại học; hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào cơ sở dữ liệu ngành; xây dựng và triển khai các phần mềm quản lý, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành.

Thứ sáu, ngành đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục. Cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm tự chủ ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó quy định rõ về việc tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học…

Thứ bảy, hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Các cơ sở giáo dục mở rộng hợp tác quốc tế trong trao đổi học sinh/sinh viên, giáo viên/giảng viên, nghiên cứu khoa học; tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài; phát triển nhóm nghiên cứu quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo;

Thứ tám là tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là lớp 1 năm học 2020 - 2021; triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.

Nhiệm vụ thứ chín cần tập trung là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Với nhiệm vụ này, sẽ triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng trường cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học tích cực, chủ động đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy. Tăng cường gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học.

Để thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ trên, ngành Giáo dục đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản.

Trước hết, ngành cần hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo. Trong đó, tổ chức soạn thảo, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục. Rà soát các vấn đề trong toàn ngành để chủ động trong chỉ đạo, quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, ngành nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục. Triển khai các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Thực hiện tuyển dụng, sử dụng biên chế công chức, viên chức, số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm; đánh giá, phân loại công chức, viên chức bảo đảm thiết thực, khách quan, công bằng.

Ngành tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Trong đó, phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí được giao bảo đảm tỷ lệ chi tối thiểu 20% ngân sách cho giáo dục, trong đó chi thường xuyên bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% dành cho chuyên môn.

Công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục cần được tăng cường. Trong đó, tổ chức tổng kết, đánh giá kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019; tổ chức tốt kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020; chuẩn bị phương án tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 và sau năm 2023; tiếp tục thực hiện các chương trình đánh giá quốc gia, quốc tế về giáo dục.

Công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo cũng là giải pháp cần đẩy mạnh. Ngành Giáo dục chủ động thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới; chủ động xử lý các vấn đề truyền thông về giáo dục.

Tăng cường truyền thông nội bộ, bảo đảm các chủ trương đổi mới, quy định của ngành phải đến từng cán bộ, giáo viên và người lao động trong các cấp quản lý và cơ sở giáo dục; tổ chức truyền thông gương người tốt, việc tốt trong quá trình thực hiện đổi mới, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, sự đồng thuận trong toàn ngành và xã hội./.

>>> Thống nhất tổ chức lễ khai giảng năm học 2019-2020 trên cả nước vào sáng 5/9

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục