"Chìa khóa" mở cửa giữa chính quyền và doanh nghiệp

22:04' - 14/03/2017
BNEWS Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng sẵn sàng lắng nghe kiến nghị qua điện thoại và đốc thúc các quận, huyện, sở, ngành liên quan giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
Công ty Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN
Đối thoại giữa thành phố và doanh nhân tổ chức hàng tháng chính là “chìa khóa” mở ra cánh cửa liên thông giữa chính quyền thành phố Hải Phòng và các đơn vị đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. 

*Tháo gỡ nhanh 

Bà Bùi Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Khánh Minh đã ở tuổi 80. Dù chuẩn bị phải bay vào phía Nam công tác lúc 10 giờ sáng nhưng ngay đầu giờ, bà Kim Liên đã có mặt tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng tháng 3/2017. Bà vui mừng thông báo tới tất cả các đại biểu: “Doanh nghiệp của tôi đã thoát nỗi sợ vỡ nợ - nỗi lo kéo dài triền miên 12 năm, từ lúc hình thành dự án đến bây giờ”. 

Bà Kim Liên chia sẻ, năm 2011, UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khách sạn, văn phòng, căn hộ nhà ở cao cấp, cao tầng cho thuê của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khánh Minh với quy mô diện tích là hơn 4.424 m2. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì bàn giao đất, ký hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Khánh Minh với diện tích như trên. Song thực tế, công ty này không thể triển khai dự án vì chưa thống nhất về ranh giới mốc thửa đất với các doanh nghiệp giáp ranh dẫn đến không được cấp phép xây dựng. 

Trong phiên đối thoại của lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp tháng 1/2017, bà Kim Liên đã kiến nghị với thành phố giải quyết vấn đề này. Ngay sau đó, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường, quận Ngô Quyền tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp. Chỉ sau 2 tháng, hai cơ quan hành chính của Hải Phòng vào cuộc, sự việc đã tiến triển tốt. Bà Kim Liên tin tưởng sẽ nhận được cấp Giấy phép xây dựng vào tháng 4/2017. 

Công ty trách nhiệm hữu hạn Khánh Minh chỉ là một trong 56 kiến nghị đã được thành phố Hải Phòng giải quyết triệt để từ tháng 9/2016 đến nay. Đó là những vấn đề phức tạp, kéo dài từ nhiều năm như: Vụ việc cưỡng chế kê biên toàn bộ dây chuyền sản xuất của Nhà máy in trực thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn in và quảng cáo Trường Hồng khiến 40 người không có việc làm; vụ việc thống nhất được phương án bồi thường, hỗ trợ công trình vật kiến trúc trên đất thuộc chỉ giới thu hồi đất thực hiện dự án VSIP Hải Phòng giữa huyện Thủy Nguyên và Hợp tác xã Nông nghiệp An Lư. 

Để đạt hiệu quả nhanh như vậy, trong các kỳ đối thoại, chủ tọa sau khi nghe ý kiến của các bên sẽ đưa ra mốc thời gian để xử lý vấn đề. Theo đó, các cơ quan hành chính của Hải Phòng ngay sau khi phiên đối thoại kết thúc đều phải tiến hành triển khai các nội dung công việc ngay trong buổi chiều, thời hạn để báo cáo kết quả công việc không quá 15 ngày. Vấn đề được đưa ra công khai, các ngành liên quan đều có mặt trong cuộc họp, được giao rõ trách nhiệm nên không xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. 

Trong quá trình giải quyết, nếu phát sinh vướng mắc, doanh nghiệp có thể trao đổi trực tiếp với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố (phụ trách) để vấn đền được giải quyết nhanh gọn. 

*Khi "thấu cảm" với doanh nghiệp 

Trong các buổi đối thoại, có sự cởi mở, tâm tình nhưng cũng có cả những giọng nói nghẹn ngào của những doanh nhân trong quá trình kinh doanh gặp những trắc trở, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cá nhân, gia đình, thiếu nhỡ việc làm cho người lao động vì thủ tục hành chính. 

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong kỳ đối thoại tháng 3/2017, Chủ tọa kỳ đối thoại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn cho biết: “Khi đối thoại, nhiều người nói dài nhưng chúng tôi không ngắt lời vì thực tế, có những doanh nghiệp đã gồng gánh bức xúc trong nhiều năm qua. Chưa tính đến việc họ phản hồi đúng hay còn có những vấn đề phải xem xét, nhưng cần tạo cho họ một nơi để lắng nghe và giải quyết được sự việc. Chúng tôi làm việc với phương châm chính quyền nhận việc khó về mình, chính vì vậy, rất nhiều việc đã được giải quyết triệt để, thấu tình, đạt lý, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp”. 

Không chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, lãnh đạo thành phố Hải Phòng còn để cánh cửa ngỏ cho doanh nghiệp tiếp cận. Trong tất cả các phiên đối thoại thường kỳ diễn ra vào ngày 10 hàng tháng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng và Phó Chủ tịch phụ trách Lê Thanh Sơn đều yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành khi xử lý vấn đề phải đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên trên hết, làm việc hiệu quả, kiên quyết nhưng không được vô cảm khi thực hiện. 

Lãnh đạo thành phố luôn nhắc lại câu: “Nếu quá trình giải quyết công việc có khó khăn, vướng mắc, các bác nhắn tin, gọi điện trực tiếp để chúng tôi theo dõi sự việc. Lâu lâu không thấy kiến nghị, chúng tôi lại tin sự việc đã giải quyết xong rồi”. 

Với sự thân tình, cởi mở, quyết liệt, triệt để, đối thoại thường kỳ giữa lãnh đạo thành phố Hải Phòng và cộng đồng doanh nghiệp đã trở thành diễn đàn tin cậy để doanh nghiệp trên địa bàn đề xuất những khó khăn, vướng mắc, nêu những giải pháp tích cực, hướng tới mục tiêu chung cả chính quyền và doanh nghiệp cùng xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thân thiện, vì sự phát triển chung của thành phố. 

Hay như đánh giá của Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trong một cuộc xúc tiến thương mại gần đây thì hoạt động đối thoại hàng tháng là một trong những yếu tố cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh rất hiệu quả của Hải Phòng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục