"Chìa khóa" mở rộng cánh cửa niềm tin

08:57' - 18/05/2019
BNEWS Trong bối cảnh cần sự minh bạch, rõ ràng về sản phẩm thì truy xuất nguồn gốc được xem như "chìa khóa" giúp khơi dậy niềm tin và là công cụ bảo vệ người tiêu dùng.
Sản phẩm của dự án IoT trong nông nghiệp tại trang trại DELCO, sử dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ QR Code trên Smartphone. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Trong thời gian qua, tâm lý người tiêu dùng luôn trong tình trạng hoang mang bởi phải tiếp cận với hàng loạt nguồn thực phẩm bẩn, nhiễm bệnh tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

Trong bối cảnh cần sự minh bạch, rõ ràng về sản phẩm thì truy xuất nguồn gốc được xem như "chìa khóa" giúp khơi dậy niềm tin và là công cụ bảo vệ người tiêu dùng.

*Minh bạch thông tin

Thịt lợn nhiễm sán, tôm bơm tạp chất, hoa quả nhúng thuốc kích chín…gây xôn xao dư luận về thực trạng nguồn cung thực phẩm hiện nay.

Có thể nhận thấy, nguyên nhân cơ bản vẫn là sản phẩm không minh bạch về nguồn gốc xuất xứ. Tâm lý sính rẻ, sính ngoại, thiếu hiểu biết, ngại tìm hiểu, thích tiện lợi dọc đường…của người tiêu dùng đã góp phần tạo môi trường dung dưỡng cho những sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe tồn tại.

Chị Vũ Thị Thu Hà, nhân viên kho bạc Nhà nước quận Hai Bà Trưng chia sẻ, trước thực trạng thực phẩm không an toàn, gia đình chị thường xuyên phải nhờ người nhà gửi nông sản từ dưới quê lên sử dụng. Ngoài ra, các loại thịt, cá chị cũng mua tại siêu thị, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được đóng dấu kiểm định chất lượng.

Theo chị Nguyễn Thu Trang, cư dân tại chung cư Helios 75 Tam Trinh, dù gia đình chỉ chuyên mua thực phẩm tại siêu thị và đã từng nghe về truy xuất nguồn gốc, nhưng chị cũng chưa từng kiểm tra.

Hơn nữa, tại các siêu thị hầu hết nhân viên không hướng dẫn người tiêu dùng các thao tác về xuất xứ hàng hóa. Chính vì thế, việc làm thế nào để kiểm tra thì chị gần như mù tịt.

Đại diện cho người tiêu dùng và cũng là chủ cửa hàng lẩu hơi Phương Phương, anh Nguyễn Quang Trung cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông sản là rất quan trọng, không chỉ bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình mà còn bảo vệ chính sức khỏe của những khách hàng đến với cửa hàng.

Kiểm tra tem điện tử được dán lên sản phẩm nho sau chế biến. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Đây là ứng dụng hay cần nhân rộng để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, mặc dù tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là hoạt động khá mới, song đã và đang được triển khai nhanh chóng.

Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến được xem là công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ dàng tiếp cận với khách hàng hơn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), so với thời gian đầu triển khai, lượng người dùng điện thoại thông minh soi tem truy xuất nguồn gốc có giảm. Tuy nhiên, không có nghĩa là người tiêu dùng thờ ơ mà họ đã có sự tin tưởng vào thương hiệu sau khi đã kiểm tra.

Dù người tiêu dùng không soi, tem truy xuất nguồn gốc vẫn phải được dán lên sản phẩm. Sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc sẽ có sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Đây là xu thế tất yếu của ngành thực phẩm nên dù việc truy xuất nguồn gốc có làm tăng chi phí,nhưng là khoản chi hợp lý.

Sắp tới, Vissan sẽ chủ động triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc riêng và chặt chẽ hơn chương trình hiện tại. Vì thế, việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn sẽ áp dụng từ chăn nuôi cho đến sản phẩm cuối cùng.

*Kiểm soát bằng công nghệ

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec) đã và đang phối hợp với Hội Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh ứng dụng phương pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện tử cho sản phẩm cà tím.

Bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc Cofidec cho biết, quy trình sản xuất là công ty sẽ cung cấp giống cà tím của Nhật Bản cho người nông dân để trồng tại trang trại theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Tất cả quá trình trồng trọt, từ xuống giống, bón phân, thu hoạch, năng suất... đều được liệt kê một cách chính xác bằng công nghệ thông tin để doanh nghiệp kiểm soát.

Sau khi thu hoạch, sản phẩm được bao tiêu hoàn toàn và vận chuyển bằng xe của công ty về nhà máy của Cofidec, chế biến rồi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Dự kiến, cuối năm nay, mô hình này sẽ được triển khai tại một số trang trại ở Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Liên quan đến việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, ông Huỳnh Thanh Tuấn, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) khẳng định: Đối với những mặt hàng nông sản như rau củ quả, thịt gia cầm, gia súc…, Saigon Co.op ưu tiên chọn hàng của những hợp tác xã có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP về quy trình sản xuất an toàn.

Bà Hà Hồ Thị Kim Gương, một phụ nữ U60 ở xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đã quyết tâm trồng lúa hữu cơ và sản xuất gạo an toàn mang nhãn hiệu "Gạo Đồng An" đáp ứng nhu cầu người người tiêu dùng. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Ngoài ra, Saigon Co.op còn ký hợp đồng bao tiêu nông sản và ứng vốn cho các hợp tác xã này để đầu tư nâng cao kỹ thuật, trang thiết bị cũng như con giống và phân bón.

Không những thế, Saigon Co.op cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra không chỉ tại đơn vị sản xuất mà còn lấy mẫu ngẫu nhiên hàng hóa đang kinh doanh tại các điểm bán để kiểm định, phân tích chất lượng.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách về hoạt động kết nối cung - cầu, sản xuất thực phẩm sạch, nhưng kết quả chưa được như mong đợi.

Do đó, việc đảm bảo an toàn các sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn bởi quá trình xây dựng và phát triển chuỗi phải qua rất nhiều khâu.

Vì thế, chỉ có cách quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông cho đến chế biến, bảo quản mới đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Lê Việt Nga cho biết, để tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, tạo điều kiện kết nối hai chiều, góp phần hình thành chuỗi cung ứng, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội triển khai chương trình kết nối hàng hóa.

Theo đó, nhiều loại đặc sản nông - lâm - thủy hải sản của các vùng miền sản xuất theo chuỗi đã đến tay người tiêu dùng khắp cả nước.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển, chuyên gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc rõ ràng ngoài việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo sự minh bạch về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc.

Hơn nữa, với các sản phẩm xuất khẩu, thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về dòng sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao hay chưa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.

Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa là doanh nghiệp đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục