Chia sẻ thông tin thị trường EU tới doanh nghiệp

13:59' - 17/10/2020
BNEWS Sau 2 tháng Hiệp định EVFTA chính thức đi vào thực thi đã mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Sau 2 tháng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức đi vào thực thi đã mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU; một số mặt hàng xuất khẩu đã có chuyển biến tích cực như gạo, nông sản, thuỷ sản,…

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Hội nghị "Đánh giá công tác thực thi Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA" tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 17/10.

Theo ông Trần Quốc Khánh, thủy sản là mặt hàng tận dụng được ưu đãi ngay từ những ngày đầu tiên Hiệp định có hiệu lực.

Tính từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU và Anh đạt khoảng 263 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2 tháng năm trước.

Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu bắt đầu tăng từ đầu tháng 9. Đối với mặt hàng gạo, nhờ tận dụng hạn ngạch thuế quan theo EVFTA, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt 1,74 triệu USD, tăng 168% so với tháng trước.

Xuất khẩu giày dép, mặc dù chịu tác động lớn của việc sụt giảm nhu cầu do dịch COVID-19 cũng tăng nhẹ trong tháng 9, đạt 307,07 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước.

Các tổ chức được ủy quyền cũng đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi các nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...

Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp; trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Điều này cho thấy mức độ quan tâm từ góc độ doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, dựa vào những kết quả tăng trưởng xuất khẩu, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.

Đặc biệt, việc tham gia các FTA; trong đó EVFTA có hiệu lực từ 1/8 với các cam kết cắt giảm thuế quan của đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng Việt mở rộng thị phần tại nhiều thị trường đối tác. Đây chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Mặc dù thị trường EU và Hiệp định EVFTA nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhưng đây là thị trường tiềm năng chưa được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác sâu.

Việc thâm nhập thị trường EU còn gặp khó khăn dù đã có mức ưu đãi thuế cao mà EU cam kết trong EVFTA.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng nhiều quy định khác về các hàng rào phi thuế quan của EU; trong đó có quy định về xuất xứ hàng hóa.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang, bên cạnh việc đánh giá về thực thi quy tắc xuất xứ để tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, cơ quan liên quan cũng như các địa phương cùng phối hợp tiếp tục phổ biến về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU, kịp thời có hướng dẫn, giải đáp quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định EVFTA để hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu có kế hoạch kinh doanh phù hợp; đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả xuất khẩu thời gian tới.

Việc chia sẻ thông tin chung về thị trường EU, nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng cũng sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có định hướng rõ hơn khi tiếp cận thị trường này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục