Chiến lược "Made in China 2025" giúp nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc

06:30' - 04/07/2017
BNEWS Thiết bị kết nối internet, trí tuệ nhân tạo, nhà thông minh và thiết bị thông minh cầm tay chỉ là một trong vài khái niệm công nghệ cao được các công ty Trung Quốc tiên phong phát triển và sản xuất.
Chiếc máy bay C919 chở khách cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất. Ảnh: Reuters

Tân Hoa Xã mới đây có bài phân tích về chiến lược "Made in China 2025" của Trung Quốc. Theo đó, Triển lãm công nghệ CES Asia tại Thượng Hải, một trong những triển lãm lớn nhất về các sản phẩm công nghệ cao ở châu Á, đã cho chúng ta một cái nhìn khái quát về mức độ phát triển của Trung Quốc trong sản xuất công nghệ thông minh.

Các công ty Trung Quốc như Huawei, Baidu và Haier đã đem tới triển lãm một loạt sản phẩm công nghệ cao tinh vi, bao gồm cả xe tự lái.

Sau khi được biết đến là một công xưởng chuyên sản xuất sản phẩm giá rẻ trên thế giới, Trung Quốc đang tập trung vào giai đoạn phát triển tiếp theo. Theo Richard Kozul-Wright và Daniel Poon - hai quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) và là các tác giả của một bài báo về "Made in China 2025" - một chiến lược nhằm tránh "quá trình phi công nghiệp hóa sớm".

Ông Wright và Poon cho biết: "Nếu thành công, chiến lược này sẽ đặt nền móng cho các nguồn tăng trưởng mới. Nhờ những lợi ích từ công cuộc đổi mới đang lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế, Trung Quốc sẽ tiến gần tới mục tiêu trở thành một quốc gia có thu nhập cao".

Chiến lược "Made in China 2025" là lộ trình được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành năm 2015 nhằm hướng tới một nền sản xuất công nghiệp tiên tiến cho đất nước. Chiến lược này đã đạt được những tiến bộ vững chắc về năng lực công nghiệp, sản xuất thiết bị thông minh, đổi mới, tăng cường chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Một ví dụ gần đây là máy bay chở khách C919 do Trung Quốc sản xuất đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên hồi tháng trước.

Chuyên gia Xin Guobin thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc nói: “Thiết kế từ trên xuống dưới của chiến lược nhìn chung ăn khớp với các kế hoạch bổ sung khác và đang diễn ra suôn sẻ. Một mặt, Trung Quốc đã và đang tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các sáng chế và bằng sáng chế, trong khi đó nước này đã có những bước đột phá trong việc phát triển các công nghệ cơ bản, nhiều thành phần, nguyên liệu và kỹ thuật đa dạng".

Chiến lược "Made in China 2025" giúp nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc. Ảnh: Reuters

Theo ông Wright và Poon, năng suất trung bình đã tăng 38% trong 109 dự án thí điểm đầu tiên của Trung Quốc trong ngành sản xuất thiết bị thông minh, trong khi đó chi phí vận hành lại giảm 21%. Trước đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã phê duyệt 12 vùng thí điểm cho chiến lược, bao gồm các thành phố như Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang và ba cụm đô thị ở các tỉnh như Giang Tô.

Một số thí điểm sẽ được chỉ định làm các khu điển hình quốc gia, nhận được các chính sách ưu đãi trong đầu tư, tài chính và nhiều lĩnh vực khác. Chiến lược này đôi khi được miêu tả là sự trở lại của phương thức thương mại từ trên xuống dưới và các chính sách thay thế nhập khẩu từ những năm trước đó. Nhưng cuộc thử nghiệm lần này đã đem lại những bài học giá trị về việc đánh giá và đổi mới các chính sách.

Theo ông Luo Wen - một quan chức cấp cao khác thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc - vẫn còn nhiều điều cần phải cải tiến, đặc biệt là độ an toàn và ổn định của một số sản phẩm cũng như việc Bắc Kinh vẫn phải nhập thiết bị, “chip lõi” và các nguyên liệu chính từ nước ngoài.

Ông Luo nói: "Trung Quốc sẽ ưu tiên phát triển công nghệ thông tin mới và vật liệu mới, đồng thời giữ vững đầu tư công nghiệp, mở rộng tiêu dùng và thúc đẩy hợp tác năng lực quốc tế".

Phòng Công nghiệp và Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố trong một bản báo cáo hồi tháng 3/2017 rằng việc Trung Quốc hỗ trợ cho sản xuất công nghệ cao sẽ dẫn đến việc các công ty nước ngoài bị đối xử tồi tệ hơn, đồng thời cho phép các nhà phát triển trong nước được nhà nước hậu thuẫn cạnh tranh không công bằng.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sự hỗ trợ của nhà nước dành cho ngành công nghiệp công nghệ cao này là một thực tế đang rất phổ biến trên toàn thế giới.

Chuyên gia Xin Guobin cho biết: "Chỉ đạo và hỗ trợ tài chính của chính phủ đối với lĩnh vực công nghệ cao là thông lệ chung trên toàn cầu vì thị trường này đòi hỏi khoản đầu tư rất lớn và gây ra nhiều rủi ro cũng như sự không chắc chắn. Các chính sách và biện pháp trong chiến lược 'Made in China 2025' có thể áp dụng cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, tất cả các công ty sẽ được đối xử bình đẳng".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục