Biện pháp bảo hộ công nghệ nhạy cảm liệu có ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Mỹ?

05:30' - 30/06/2017
BNEWS Việc Mỹ siết chặt hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào những lĩnh vực công nghệ nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo liệu có khiến hoạt động đầu tư xuyên biên giới chao đảo?
Biện pháp bảo hộ công nghệ nhạy cảm liệu có ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Mỹ? Ảnh minh họa: Reuters

Trang techcrunch đăng bài viết của nhà phân tích trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và công nghệ Jason Rowley nhận định rằng những hạn chế mới của Chính phủ Mỹ đối với đầu tư của Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư nói chung và lĩnh vực đầu tư mạo hiểm nói riêng.

Hãng tin Reuters của Anh trước đó đưa tin Washington có khả năng sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Thung lũng Silicon nhằm bảo vệ tốt hơn các công nghệ nhạy cảm vốn được coi là tối quan trọng đối với an ninh của Mỹ.

Theo tài liệu mà Reuters có được, một trong những quan ngại cụ thể của Mỹ là sự quan tâm của Bắc Kinh trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và sự học hỏi của máy móc (một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo). Những lĩnh vực này đã thu hút được nguồn vốn ngày càng tăng từ Trung Quốc trong những năm qua.

Washington lo ngại rằng các loại công nghệ tiên tiến được phát triển ở Mỹ này có thể được Bắc Kinh sử dụng để tăng cường năng lực quân sự của mình và có thể đưa quốc gia châu Á này đi đầu trong các ngành công nghiệp chiến lược.

Mỹ đang tìm cách tăng cường vai trò của Ủy ban đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS), một cơ quan liên ngành có nhiệm vụ đánh giá việc thâu tóm các công ty Mỹ từ đối tác nước ngoài, xét trên khía cạnh về an ninh quốc gia.

Một báo cáo của Lầu Năm góc chưa được công bố mà Reuters có được đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang lọt qua sự giám sát của Mỹ và đang tiếp cận được công nghệ nhạy cảm thông qua các giao dịch "lọt" qua vòng đánh giá của CFIUS.

Những giao dịch thương mại này gồm các hình thức liên doanh, đóng cổ phần nhỏ và các khoản đầu tư ban đầu vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Một quan chức giấu tên của Chính quyền Trump tiết lộ: "Chúng tôi đang rà soát CFIUS để tìm hiểu về vấn đề an ninh và sức khỏe của nền kinh tế Mỹ trong dài hạn, trong bối cảnh xuất hiện những thực tiễn về việc Trung Quốc 'đánh cắp' công nghệ".

Phát biểu tại phiên điều trần của Thượng viện Mỹ ngày 13/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng cho rằng CFIUS đã "lỗi thời", đồng thời cho rằng "cơ quan này cần cải thiện để đối phó với tình hình hiện nay".

CFIUS trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ, gồm 9 thành viên thường trực là đại diện các phòng ban của Bộ Quốc phòng, Tư pháp, An ninh Quốc gia, Thương mại, Ngoại giao và Năng lượng. Hội đồng của CFIUS thường không đưa ra bình luận nào cho đến khi đưa ra quyết định cuối cùng về các thương vụ đầu tư từ nước ngoài.

Dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, CFIUS đã ngăn hàng loạt thương vụ mua lại các công ty sản xuất chip điện tử từ các quỹ đầu tư Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn, nhân vật số 2 của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, hiện đang soạn thảo một dự thảo luật cho phép CFIUS có nhiều quyền lực hơn để ngăn chặn một số hình thức đầu tư công nghệ. Trợ lý giấu tên của ông Cornyn nói: "Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ hàng đầu mà Trung Quốc muốn có bởi nó có những ứng dụng quân sự to lớn".

Theo chuyên gia về công nghệ quân sự James Lewis, từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Chính phủ Mỹ đang chơi trò đuổi bắt. Chuyên gia này nói: "Trung Quốc đã tìm ra cách thức né tránh các quy định bảo vệ việc chuyển giao công nghệ thông qua các khoản đầu tư nước ngoài. Và họ đang sử dụng cách thức đó để vượt Mỹ cả về mặt kinh tế và quân sự".

Baidu Inc, công ty công nghệ được mệnh danh là Google của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, một số chuyên gia công nghệ cảnh báo rằng việc thắt chặt các quy định của Mỹ có thể không giúp ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ mà có thể gây ra các động thái trả đũa từ Trung Quốc.

Mỹ là điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc trong năm 2016, với giá trị các thương vụ mua lại hoặc đầu tư mới lên đến 45,6 tỷ USD, theo công ty nghiên cứu Rhodium Group. FDI của Trung Quốc vào Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 22 tỷ USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, Bắc Kinh không giấu giếm tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo bằng cách nghiên cứu phát triển trong nước và thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài. Baidu Inc, công ty công nghệ được mệnh danh là Google của Trung Quốc, hồi tháng Ba đã vận hành một phòng thí nghiệm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo cùng với Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC).

Tuy nhiên, đây không phải là lĩnh vực duy nhất của Mỹ có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư Trung Quốc. Theo nhà phân tích Jason Rowley, tốc độ nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn cho các công ty khởi nghiệp Mỹ trong giai đoạn 2012-2015 ghi nhận tăng trưởng đáng kể.

Mặc dù hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Mỹ của nhà đầu tư Trung Quốc có suy giảm trong hoạt động tổng thể vào năm 2016, song ít hơn dự đoán, chủ yếu do thị trường vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu năm 2016 yếu đi, biến động mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu chậm lại.

Tài liệu mà Reuters trích dẫn chưa được hoàn tất và có thể những đề xuất này sẽ không bao giờ được thông qua. Bên cạnh đó, những dự thảo về bảo hộ lĩnh vực công nghệ cao liệu có bảo đảm rằng sở hữu trí tuệ có giá trị và những công nghệ nhạy cảm của các công ty khởi nghiệp sẽ không bị lạm dụng.

Ông Rowley nhận định rằng bất chấp tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc vẫn coi các công ty khởi nghiệp Mỹ là điểm sáng và dường như hầu hết họ vẫn sẵn sàng tiếp tục đầu tư vào nước này, trừ khi vấp phải rào cản địa chính trị quá lớn từ phía nhà chức trách Mỹ.

Theo ông Rowley, việc siết chặt hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào những lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo sẽ không làm cho hoạt động đầu tư xuyên biên giới chao đảo, tuy nhiên rõ ràng tốc độ đầu tư sẽ chậm lại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục