Chính phủ mới của Argentina khởi động đàm phán với các chủ nợ

17:29' - 16/01/2016
BNEWS Ngày 15/1, Tổng thống Argentina Mauricio Macri tuyên bố bất cứ thỏa thuận nào giữa Chính phủ nước này với các chủ nợ tại Tòa án New York (Mỹ), cũng sẽ được công bố rộng rãi nhằm đảm bảo sự minh bạch.

Tuyên bố này của Tổng thống Macri được đưa ra sau khi báo chí nước này đưa tin các chủ nợ muốn giấu kín nội dung đàm phán cho tới khi hai bên đạt được thỏa thuận.

Trong khi đó, Quốc vụ khanh Tài chính Argentina Luis Caputo, được Tổng thống Macri chỉ định làm đại diện cho Chính phủ Argentina, đang có mặt tại thành phố New York, cho biết sẽ đưa ra đề xuất của nước này để giải quyết nợ vào tuần tới.

Tân Tổng thống Argentina Mauricio Macri. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 13/1 vừa qua, lần đầu tiên Chính phủ mới của Argentina đã khởi động các cuộc đàm phán đầu tiên với các chủ nợ tại New York nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhiều năm qua. Các cuộc đàm phán diễn ra giữa ông Caputo và các chủ nợ tại Mahattan với sự hướng dẫn của đại diện cơ quan tư pháp Mỹ Daniel Pollack.

Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính Argentina Alfonso Prat-Gay cho biết quốc gia Nam Mỹ này sẽ đàm phán với "tinh thần cứng rắn nhất", song cam kết sẽ nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận.

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải dàn xếp các khoản vay chưa trả do tình hình thâm hụt tài chính của nước này trong năm nay có thể phụ thuộc vào tiến trình đàm phán nợ.

Bộ trưởng Prat-Gay cũng nhấn mạnh đây là một vấn đề bắt buộc phải đối đầu và cần được giải quyết nhanh và hợp lý nhất có thể, dù không hy vọng sẽ đạt ngay được thỏa thuận.

Việc Buenos Aires không thương lượng với các nhà đầu tư này khiến cho các khoản nợ tăng lên đáng kể. Thời điểm Argentina bắt đầu bị kiện, con số này chỉ ở mức 2,9 tỷ USD, nhưng hiện tại đã lên tới hơn 9,8 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Prat-Gay, việc giải quyết nợ sẽ giúp Argentina có thể tiếp cận trở lại với các thị trường vốn toàn cầu, cũng như giảm thâm hụt tài chính, một biện pháp giúp kiềm chế tỷ lệ lạm phát hiện ở mức hai con số dưới thời Tổng thống mãn nhiệm Cristina Fernandez.

Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD vào cuối năm 2001, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Nước này đã thuyết phục được những chủ nợ sở hữu 92,4% số trái phiếu đồng ý cho đảo nợ và chỉ nhận một phần mệnh giá trái phiếu.

Tuy nhiên, trong số các chủ nợ còn lại nắm giữ khoảng 7,6% số trái phiếu, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management của Mỹ, đã kiện Argentina lên tòa án New York.

Các quỹ này đã được Thẩm phán Tòa án New York Thomas Griesa tuyên bố thắng kiện, đồng nghĩa với việc đẩy Argentina vào nguy cơ bị các chủ trái phiếu khác yêu cầu cũng được hưởng ưu đãi tương tự. Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả số tiền khổng lồ ước tính lên tới 250 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục