Chính phủ Mỹ có kế hoạch chi 16 tỷ USD làm sạch các mỏ và giếng dầu cũ

16:22' - 01/04/2021
BNEWS Kế hoạch trị giá 2.300 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm chuyển đổi cơ sở hạ tầng của Mỹ sẽ bao gồm khoản chi 16 tỷ USD để làm sạch các giếng dầu khí cũ cùng các mỏ bỏ hoang.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden cho biết ông muốn những người thợ đào ống và thợ mỏ phụ trách việc đóng lại các giếng dầu khí với mức giá tương đương mức tiêu tốn để đào chúng.

Nhiều giếng và mỏ cũ nằm trong các khu vực nông thôn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Giới quan sát cho biết kế hoạch của Tổng thống Biden không chỉ tạo ra việc làm mà còn giúp giảm lượng khí methane và nước muối rò rỉ gây ô nhiễm không khí và mạch nước ngầm. Khí methane là một yếu tố góp phần lớn vào sự nóng lên toàn cầu.

Bộ Nội vụ Mỹ từ lâu đã nỗ lực tìm cách lấp các giếng “mồ côi” (chỉ những giếng không tìm được chủ sở hữu) nhưng lại chưa đánh giá việc dùng phí sử dụng để trang trải cho phí cải tạo. Các yêu cầu về trái phiếu đối với các nhà khai thác giếng thường không đủ để trang trải toàn bộ chi phí làm sạch.

Kế hoạch của ông Biden sẽ bắt đầu triển khai nỗ lực trên thực tế và mở rộng nó một cách đáng kể.

Tương tự, kế hoạch của Nhà Trắng sẽ thúc đẩy chương trình Đất mỏ bị bỏ hoang (AML) do Bộ Nội vụ điều hành. Chương trình này sử dụng khoản phí do các công ty khai thác than trả để cải tạo các mỏ bị bỏ hoang trước năm 1977.

Khoảng 8 tỷ USD đã được giải ngân cho các dự án cải tạo hầm mỏ tại nhiều bang trong 4 thập niên qua. Dự kiến, kế hoạch của ông Biden sẽ tăng mạnh khoản chi cho kế hoạch trên.

Các nhóm hoạt động vì môi trường đã hoan nghênh thông báo trên. Họ nói rằng các giếng dầu khí chưa được đóng và các mỏ bị bỏ hoang là mối đe dọa môi trường đáng kể. Một số địa điểm khai thác trước đây đã không được giám sát trong nhiều thập niên.

Hiệp hội khai thác mỏ quốc gia Mỹ cho biết họ ủng hộ nỗ lực trên của Chính phủ, nhưng muốn có thêm thông tin chi tiết.

Người phát ngôn Conor Bernstein cho biết hiệp hội rất muốn làm việc với Quốc hội về các điều luật xung quanh sáng kiến của Tổng thống, đồng thời đưa ra cải cách cho chương trình AML và xây dựng giải pháp lâu bền về các địa điểm khai thác đá cứng.

Các nhóm hoạt động vì môi trường cũng kêu gọi Chính phủ đưa ra các yêu cầu chặt chẽ hơn đối với những công ty dầu khí khai thác trên khu đất công, cũng như thay đổi luật phá sản khiến các công ty khó trốn tránh trách nhiệm về dọn dẹp các địa điểm khai thác cũ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục