Chính phủ Mỹ đề xuất bổ sung gói vay 250 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ

13:20' - 08/04/2020
BNEWS Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng tại Mỹ đã làm gia tăng sức ép, buộc giới chức nước này phải đưa ra thêm nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 7/4 cho biết ông đang yêu cầu Quốc hội bổ sung thêm một khoản vay mới dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Với việc các cửa hàng và nhà hàng trên toàn quốc buộc phải đóng cửa do đại dịch COVID-19, Chính phủ Mỹ ngày 3/4 vừa qua đã khởi động Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP), cung cấp khoản vay trị giá 349 tỷ USD với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hoạt động ổn định để duy trì việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, số tiền này rõ ràng là chưa đủ trong bối cảnh có tới 17.503 công ty có quy mô nhân sự khoảng 500 nhân viên, đã nộp đơn xin vay tiền thông qua các ngân hàng địa phương với tổng giá trị 5,4 tỷ USD.

Phát biểu trên mạng xã hội Twitter ngày 7/4, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cho biết ông đã thảo luận với các nhà lãnh đạo của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ "để đảm bảo khoản tiền 250 tỷ USD bổ sung cho chương trình PPP".

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell hy vọng các nhà lập pháp thông qua đề xuất này vào ngày 9/4. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện - nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ - bà Nancy Pelosi lại nhấn mạnh cần đảm bảo rằng khoản cho vay hỗ trợ này sẽ được phân phối công bằng.

PPP là một phần trong gói kích thích trị giá 2.200  tỷ USD mà Quốc hội Mỹ phê chuẩn cuối tháng 3 vừa qua, nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước cú sốc đại dịch COVID-19. Trong đó, bao gồm chương trình cho vay 350 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp nhỏ (có ít hơn 500 nhân viên) để họ thanh toàn tiền lương cho nhân viên, các chi phí tiện ích và chi phí bảo hiểm.

Tuy nhiên, chương trình PPP này có sự khởi đầu không được như ý muốn, khi các ngân hàng tỏ ra thất vọng vì thiếu các hướng dẫn rõ ràng về cách thức hoạt động của chương trình này, trong khi các doanh nghiệp nhỏ rơi vào trạng thái bấp bênh do không rõ liệu họ có nhận được tiền hỗ trợ hay không.

Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã mất 701.000 việc làm trong tháng Ba vừa qua sau khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ... phải đóng cửa do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế số một thế giới hiện tăng lên mức 4,4%. Trước đó, ngày 1/4, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong quý II/2019 sẽ vượt 10%, cao hơn đáng kể so với dự báo hiện tại của cơ quan này là 3,5%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục