Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho xóa nhà tạm

19:51' - 12/11/2024
BNEWS Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào chiều 12/11, tại Kỳ họp thứ 8.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề “nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát đang hết sức cấp bách” và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết rõ giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2025.

 
Tham gia chất vấn, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho biết, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai là vấn đề quan tâm của toàn cầu. Nhân dân và cử tri rất cảm động, đánh giá cao cách ứng phó kịp thời, hiệu quả, nhân văn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi xảy ra thiên tai, rõ nét nhất là việc ứng phó với cơn bão số 3 vừa qua. Để kịp thời động viên tinh thần đồng bào để vượt qua khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài, được cử tri và nhân dân đánh giá rất cao.

“Tuy nhiên, nhân dân và cử tri mong muốn Thủ tướng Chính phủ cho biết rõ hơn về những giải pháp căn cơ, dài hạn để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.

Đặt vấn đề về “lộ trình hoàn thành thể chế số ở Việt Nam”, đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) chất vấn, chuyển đổi số là một lĩnh vực mới, khó, bao gồm các nội dung rộng lớn như Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và có tác động vĩ mô. Đại biểu nêu câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi số liệu cần có cơ sở lý luận về chuyển đổi số không? Ngoài ra, khi nào Việt Nam hoàn thành lộ trình thể chế số?

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc xóa nhà tạm, nhà dột là một chủ trương lớn, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo. Hiện nay, nước ta còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát, trong đó có cả những người có công với cách mạng, đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo.

Nhấn mạnh quyết tâm rất cao xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, Thủ tướng cho rằng cần thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”. Về huy động nguồn lực, cần đa dạng hóa nguồn lực. Lực lượng Quân đội và Công an cũng sẵn sàng nhân lực và nguồn lực để cùng triển khai. Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho chương trình lớn này.

Đối với câu hỏi về giải pháp căn cơ, dài hạn để phòng, chống thiên tai, bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. “Tuy nhiên, các diễn biến của thời tiết rất cực đoan, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, toàn diện, ta cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ, chung tay của toàn cầu để cùng thực hiện”, Thủ tướng chỉ rõ.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến chống biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình thực tế. Trong huy động nguồn lực, cần có nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của các đối tác, nguồn vốn vay. Hiện nay, các nguồn lực đang được ưu tiên bố trí cho vấn đề này. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị trong ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương.

Trả lời câu hỏi về cơ sở lý luận, Thủ tướng cho rằng, lý luận soi đường, nhưng lý luận cũng phải dựa trên thực tiễn; vì vậy, trước hết cần tổng kết thực tiễn. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu hướng, phong trào, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, vì vậy cần có lý luận. Muốn có lý luận thì cần tổng kết thực tiễn, để từ đó có giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Việc tổng kết cần được thực hiện cẩn trọng, cần có lộ trình để hoàn thiện thể chế một cách phù hợp và hiệu quả.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục