Chính sách hỗ trợ cụ thể tạo đà cho hợp tác xã bứt phá

16:23' - 15/08/2023
BNEWS Nhận thức rõ vai trò của các hợp tác xã, nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể để tạo đà cho hợp tác xã bứt phá và phát triển bền vững.

Nhận thức rõ vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác trong phát triển kinh tế xã hội nên nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Ninh nói chung và thị xã Đông Triều, Vân Đồn nói riêng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể để tạo đà cho hợp tác xã bứt phá và phát triển bền vững.

Là địa phương có số lượng hợp tác xã nhiều nhất tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, Đông Triều ngoài việc phát triển số lượng, các hợp tác xã còn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần giải quyết an sinh xã hội tại địa phương; tạo công ăn việc làm cho nông dân; chuyển dịch cơ cấu cây trồng; từng bước xây dựng và hình thành, phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền.

Đặc biệt, Đông Triều có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp nên thời gian qua, nhiều hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại đây đã được thành lập với dịch vụ đa dạng, hướng tới tính chuyên nghiệp. Chẳng hạn như thực hiện quy vùng, áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng chuyên canh một số loại nông sản đặc trưng; dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ thu hoạch và sau thu hoạch; tiêu thụ nông sản...

Không những thế, một số hợp tác xã đã có sự thay đổi đáng kể khi đưa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; phát triển chất lượng các thương hiệu của thị xã như nếp cái hoa vàng, na dai; cam canh; trong đó, nếp cái hoa vàng được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh do Hợp tác xã sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Yên Đức sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thắng- Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Yên Đức (Đông Triều) cho biết: Hiện tại, diện tích nếp cái hoa vàng của hợp tác xã chiếm khoảng 20ha, thị trường tiêu thụ tốt, đem lại thu nhập bình quân 51,7 triệu đồng/ha cho người dân, cao hơn các loại lúa khác là 17,9 triệu đồng/ha. Từ khi đưa tiêu chuẩn quy trình VietGAP vào thực hiện, người dân rất phấn khởi vì chất lượng đảm bảo nên dù chưa thu hoạch nhưng nhiều thương lái đã đến đặt hàng.

Ngoài ra, thị xã Đông Triều còn là địa phương cấp huyện đầu tiên của miền Bắc về đích nông thôn mới. Đóng góp vào việc xây dựng và nâng chất nông thôn mới kiểu mẫu, các mô hình kinh tế hợp tác xã đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất của người dân, qua đó nâng cao thu nhập và mức sống, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao và phát triển bền vững.

Tương tự, năm 2013, Hợp tác xã Hoa Phong đã mạnh dạn thuê ruộng của bà con nông dân, đầu tư 2 tỷ đồng để làm lại kênh mương thoát nước, đường giao thông nội đồng và thuê công nhân kỹ thuật… Đến nay, hợp tác xã đã cung cấp cho bà con nông dân từ 200 - 300 tấn thức ăn chăn nuôi, mỗi ngày cung ứng 3 tấn thực phẩm gạo, thịt, rau, củ quả các loại ra thị trường. 

Đồng thời, hợp tác xã còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con nông dân, tạo điều kiện cho nông dân mua thức ăn trả chậm, ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn ở địa phương.

Đại diện UBND thị xã Đông Triều nhấn mạnh: Để các hợp tác xã ở thị xã Đông Triều hoạt động hiệu quả và phát triển mạnh hơn, thị xã sẽ tổ chức thêm các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu, hỗ trợ hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Cũng nằm trên địa bàn Quảng Ninh, cam Vạn Yên huyện Vân Đồn được người dân trồng, chăm sóc hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nguồn tưới được tận dụng từ những khe nước trong rừng chảy ra, phân bón hữu cơ, bón lót 4 lần/năm và gần như không dùng thuốc trừ sâu nên cam rất sạch và ngon, ngọt.

Ông Trần Văn Hậu- Giám đốc Hợp tác xã Nông trang Vạn Yên (Vân Đồn) cho biết: Với diện tích 11ha với hơn 6.000 gốc, hợp tác xã đang trồng các giống cam giấy địa phương, cam đường, cam lòng vàng, cam V2 chín muộn, cam canh…Ngay từ khi thành lập, hợp tác xã đã định hướng trở thành đầu mối áp dụng khoa học, lan toả kỹ thuật trồng cam trên địa bàn. 

Không chỉ kiểm soát chất lượng thành phẩm, hợp tác xã còn làm chủ kỹ thuật chiết, ghép cây, đảm bảo quy trình kỹ thuật trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mùa vụ, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ việc phát triển giống cam đặc thù của địa phương, thành viên trong hợp tác xã đã có thu nhập ổn định và đời sống ngày càng được cải thiện.

Bắt nhịp thị trường, vài năm trở lại đây, song song với phát triển số lượng và xây dựng chất lượng vườn cam, các hợp tác xã trên địa bàn  còn chú trọng xây dựng cảnh quan vườn cam,... tạo cơ sở phát triển du lịch nông thôn, thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm.

Thời điểm cam vào vụ thu hoạch (từ tháng 11 đến hết tháng 2), chủ vườn thường mở cửa đón du khách đến tham quan và mua cam tại vườn. Với hình thức du lịch sinh thái mới lạ, các vườn cam nhanh chóng trở thành điểm tham quan, chụp ảnh lưu niệm lý tưởng. 

Đại diện một số hợp tác xã cam Vạn Yên huyện Vân Đồn chia sẻ, những ngày cuối tuần thời kỳ cam chín, vườn cam của hợp tác xã thường đón khoảng 500 khách, đỉnh điểm có ngày lên tới hàng nghìn khách. Ngoài ra, nhiều thương lái vào thu mua cam để chuyển bán ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Năm nay đường vào thôn đang mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan.

Hiện nay, nhiều chủ vườn là thành viên của các hợp tác xã đã đầu tư xây dựng các khu nghỉ, ăn trưa, nướng đồ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Sau khi trải nghiệm tại vườn cam, du khách có thể tổ chức thêm hoạt động vui chơi ngoài trời, thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương ngay tại vườn.

Để tiếp tục phát triển thương hiệu cam Vạn Yên, hiện nay, huyện Vân Đồn đã có chủ trương xây dựng "Đề án phát triển cây trồng bản địa"; trong đó, phát triển thêm 200ha cam tại xã Vạn Yên. Việc mở rộng, phát triển cây cam Vạn Yên góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, hướng đến quảng bá, tiêu thụ rộng khắp sản phẩm ra các tỉnh, thành trong cả nước.

Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của giống cam địa phương hơn nữa, các hợp tác xã, nhà vườn cần phát huy vai trò của các website, nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook để đăng tải, quảng bá sản phẩm; chủ động phối hợp với các cơ sở kinh doanh du lịch xây dựng tour, tuyến nhằm phục vụ du khách có thể trải nghiệm dài ngày tại địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục