Chính sách “Make in India” của Ấn Độ bỏ quên doanh nghiệp trong nước

15:58' - 15/05/2017
BNEWS Kể từ khi lên nắm quyền năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã tìm cách biến Ấn Độ trở thành một quốc gia thuận lợi cho kinh doanh và cạnh tranh với Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới.
Hồi tháng 9/2014, Thủ tướng Modi đã công bố sáng kiến ''Make in India'' (Sản xuất tại Ấn Độ) với mục tiêu mang lại sự thay đổi chưa từng có cho những chính sách và thủ tục lỗi thời của nước này.

Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực thu hút thêm nhiều nhà đầu tư với lời hứa sẽ đơn giản hóa hệ thống thuế và nới rộng những điều luật liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặc dù vậy, Ấn Độ chỉ đứng thứ 130 trên 190 quốc gia theo xếp hạng thường niên về mức độ thuận lợi trong kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB).

Điều đáng nói là trong khi hầu hết sự chú ý của chính phủ dồn vào các công ty nước ngoài, những doanh nghiệp trong nước - lẽ ra là điểm sáng của ngành sản xuất Ấn Độ - lại đang rất chật vật.

Nhà kinh tế học Sunil Sinha thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch chi nhánh tại Ấn Độ cho biết, bất cứ ai muốn mở một nhà máy sản xuất hoặc thành lập doanh nghiệp phải đăng ký điện và nước, nộp đơn xin phép và khai báo các thủ tục bắt buộc hàng năm với những cơ quan giám sát khác nhau. Đây là những trở ngại chính cho các doanh nghiệp và hiện chưa có thay đổi đáng kể nào.

Trong khi các doanh nghiệp lớn có các kênh tiếp cận chính sách thuận lợi hơn, những doanh nghiệp nhỏ phải chấp nhận làm ăn với bất cứ bên nào có thể đáp ứng nhu cầu của họ, dù là “vượt rào”.

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đã phản ánh rằng họ gặp khó khăn trong việc thu mua đủ linh kiện để sản xuất hàng hóa với số lượng lớn. Điều này là do ngành công nghiệp phụ trợ của Ấn Độ chưa phát triển nên các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ những linh kiện nhỏ nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục