Chính sách tài chính minh bạch tạo niềm tin cho người dân

17:35' - 08/10/2020
BNEWS Việc cải thiện ngân sách nhà nước cần bắt đầu từ tiết kiệm và phân bổ chi tiêu hợp lý, chứ không phải nhờ tăng thu từ các sắc thuế mới hoặc tăng thuế suất.

Ngày 8/10, tại Hà Nội, Tổ chức Oxfam và các đối tác trong Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam, Liên minh Minh bạch Ngân sách và Liên minh Khoảng sản thực hiện đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Tài chính cho phát triển" sau 5 năm triển khai (2016-2020).

Tại hội thảo, các chuyên gia chính sách công, đại diện địa phương và người dân tham gia dự án cho rằng, các khuyến nghị đối với Chính phủ gồm ba trụ cột quan trọng: thuế, công khai minh bạch ngân sách và sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội trong việc giám sát thu ngân sách và chi tiêu công tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, sáng lập, Nguyên Viện trưởng và hiện là Cố vấn trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đại diện Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam, việc cải thiện ngân sách nhà nước cần bắt đầu từ tiết kiệm và phân bổ chi tiêu hợp lý, chứ không phải nhờ tăng thu từ các sắc thuế mới hoặc tăng thuế suất; chưa nên mở rộng nguồn thu ngay mà nên cắt giảm chi tiêu trước để giảm bớt gánh nặng nợ công.

Việc tái cơ cấu hệ thống thuế nên được thực hiện theo hướng giảm các loại thuế có bản chất lũy thoái. Điều này phải tăng tỷ trọng thuế trực thu và giảm tỷ trọng thuế gián thu trong tổng thu thuế. Đồng thời, các khoản thu thuế tăng lên cần được chi cho đầu tư phát triển, nhằm giúp tăng sản lượng thực của nền kinh tế trong dài hạn.

Dự án này thành công trong việc mở rộng không gian để cộng đồng và các tổ chức xã hội tham gia giám sát công khai ngân sách và chi tiêu công, thông qua các sáng kiến như: Ngân sách công ty, Giám sát tiêu điểm, Dân trí điểm dịch vụ Mscore, Sáng kiến Minh bạch Công nghiệp khai thác, hay Chỉ số Công khai ngân sách cấp tỉnh (POBI) và Chỉ số công khai minh bạch ngân sách cấp Bộ và các cơ quan Trung ương (MOBI). 

Ông Nguyễn Quang Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), đại diện Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) chia sẻ: "Tài chính cho phát triển là câu chuyện của việc nguồn lực này của ai, được sử dụng như thế nào và có bảo đảm bằng và đáp ứng được các nhu cầu của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hay không"

“Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi đáng ghi nhận của cơ quan nhà nước trong công khai minh bạch ngân sách và sức mạnh của người dân khi họ tham gia quản lý và giám sát ngân sách", ông Thương nói. 

Kết quả kiểm tra công khai ngân sách cấp quốc gia tại hội thảo cho thấy, Việt Nam đã đạt được những quy trình ban đầu về minh bạch ngân sách cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp bộ. Chính phủ, Bộ Tài chính và các tỉnh đã nỗ lực thực hiện các cam kết công khai thông tin về quản lý và sử dụng nguồn lực công để người dân có thể tham gia thảo luận về ngân sách với những cải cách về pháp luật và thể chế quản trị ngân sách theo hướng minh bạch hơn.

Theo đó, Việt Nam có sự cải thiện trên cả ba phương diện: minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách trong năm 2019. Trong thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn có khả năng cải thiện mức độ công khai ngân sách tốt hơn nữa nếu Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các cải cách mạnh mẽ hơn về luật pháp và thể chế trong quản trị ngân sách nhà nước. 

Tham dự hội thảo, bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia của Oxfam tại Việt Nam cho hay, dự án "Tài chính cho Phát triển" đã khẳng định tầm quan trọng của minh bạch và công bằng trong thu và chi ngân sách đối với việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội.

Đồng thời, bảo vệ mọi người dân, người nghèo đặc biệt là phụ nữ và các nhóm yếu thế khác được tham gia và hưởng lợi công bằng từ quá trình phát triển; trong đó, sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội trong quản lý và giám sát ngân sách là yếu tố then chốt.

Dự án Tài chính phát triển tại Việt Nam, thuộc Chương trình Đối tác chiến lược giữa Oxfam, Trung tâm Nghiên cứu về các Tập đoàn Đa quốc gia (SOMO) và Chính phủ Hà Lan, được triển khai từ năm 2016 đến năm 2020. 

Dự án "Tài chính cho Phát triển" ra đời trong bối cảnh các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và trốn tránh thuế tại Việt Nam khiến thất thu ngân sách, gây thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho dịch vụ công như y tế và giáo dục. Ưu đãi thuế doanh nghiệp của Việt Nam ước tính khoảng 62.000 tỷ VND trong năm 2016, tương đương 7% thu ngân sách nhà nước.

Các chuyên gia cho rằng, việc trốn, tránh thuế ước tính gây thất thu từ 15.600 đến 20.700 tỷ VND mỗi năm trong giai đoạn 2013-2017. Gánh nặng chi tiêu cho các dịch vụ thiết yếu đè nặng lên vai người dân. Trong khi đó, thất thoát và tham nhũng đang diễn ra khá nghiêm trọng trong các dự án đầu tư công.

Trong 5 năm triển khai dự án, Oxfam và Liên minh Công bằng Thuế đã thực hiện nhiều nghiên cứu mang tính đột phá về thuế tại Việt Nam, làm cơ sở cho các khuyến nghị và đóng góp tích cực vào các chính sách thuế.

Có thể kế đến “Báo cáo đánh giá mức độ công bằng thuế tại Việt Nam" năm 2017; “Báo cáo đánh giá về tác động của đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình "; "Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản tại Việt Nam" năm 2018.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục