Chính sách thuế của Mỹ: Mỹ Latinh tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho nông sản

10:39' - 08/04/2025
BNEWS Mức thuế cơ bản 10% do Mỹ áp đặt đối với hầu hết các nước Mỹ Latinh có nguy cơ làm lung lay hoạt động xuất khẩu nông sản.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, mức thuế cơ bản 10% do Mỹ áp đặt đối với hầu hết các nước Mỹ Latinh có nguy cơ làm lung lay hoạt động xuất khẩu nông sản, một ngành quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc gia như Brazil, Colombia, Ecuador và Peru, những nước phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ đối với các sản phẩm như cà phê, trái cây và hoa.

Thách thức chính đối với hầu hết các nước Mỹ Latinh là đa dạng hóa thị trường và tìm giải pháp thay thế để duy trì khả năng cạnh tranh khi phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn áp dụng cho các đối thủ cạnh tranh toàn cầu khác.

Thông báo về đợt áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra một tuần trước khi các nhà lãnh đạo khu vực dự kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) tại Honduras vào ngày 8 và 9/4.

Tại hội nghị, các nước Mỹ Latinh dự kiến sẽ thông qua các biện pháp chung để bảo vệ thị trường khu vực.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng ở Mỹ Latinh và Caribe sẽ tăng tốc, đạt 2,5% vào năm 2025 và 2,6% vào năm 2026.

Tuy nhiên, báo cáo, vốn được đưa ra trước khi Mỹ công bố áp dụng các mức thuế mới, cũng cảnh báo về những thách thức phát sinh từ các yếu tố bên ngoài và bên trong có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn.

Năm 2024, giá trị xuất khẩu ở Mỹ Latinh tăng 4,1%, sau khi giảm 1,6% vào năm 2023, và các mặt hàng nông phẩm tăng 11%. Sau Mexico, hai thị trường chính của khu vực là Brazil và Argentina. Mexico là quốc gia được miễn thuế 10% từ Mỹ nhờ Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Brazil trong lĩnh vực nông nghiệp, sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), với tổng giá trị xuất khẩu sang quốc gia Bắc Mỹ này lên tới 12,1 tỷ USD đối với các sản phẩm như gỗ xẻ, bột giấy, giấy, cà phê, thịt, đường và ethanol. Brazil coi việc áp dụng thuế quan của Mỹ là cơ hội để cạnh tranh với các đối thủ đang phải đối mặt với mức thuế cao hơn ở châu Á.

 

Tại Argentina, các sản phẩm chính như mật ong và chanh sẽ bị ảnh hưởng, trong khi xuất khẩu rượu vang và dầu ô liu có thể được hưởng lợi.Trong năm 2024, quốc gia Nam Mỹ này đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 6,395 tỷ USD sang Mỹ – đối tác thương mại lớn thứ hai của Argentina.

Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Argentina sẽ phải chịu thêm 10% thuế quan theo chính sách mới của Tổng thống Trump.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Colombia sang Mỹ đạt 3,642 tỷ USD vào năm 2024. Colombia là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai cho Mỹ, với doanh số bán 4,9 triệu bao vào năm ngoái, đạt 1,1 tỷ USD. Các sản phẩm khác bao gồm hoa, chuối và quả bơ.

Ecuador hiện đang đàm phán để giảm thiểu tác động. Tuy nhiên, các sản phẩm như chuối, tôm và ca cao có thể được hưởng lợi vì các đối thủ cạnh tranh khác phải chịu mức thuế quan cao hơn. Không tính dầu mỏ và các sản phẩm phái sinh của dầu mỏ, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,043 tỷ USD.

Với Peru, Mỹ là bạn hàng thương mại chủ chốt, với kim ngạch đạt 9,2 tỷ USD vào năm 2024, chủ yếu từ các sản phẩm như việt quất, nho, cà phê và một số khoáng sản.

Chile đã xuất khẩu 2,661 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp sang Mỹ trong năm 2024 và các sản phẩm chính của nước này bao gồm nho, quả việt quất, anh đào và rượu vang.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Uruguay sang Mỹ, bao gồm cả các khu vực mậu dịch tự do, đạt 1,187 tỷ USD và sản phẩm chính là thịt bò chiếm 50%.

Tại khu vực Trung Mỹ, Cộng hòa Dominicana và Mỹ đã ký Hiệp định thương mại tự do Trung Mỹ - Cộng hòa Dominicana (viết tắt là CAFTA - DR) hơn 20 năm trước và nước này hy vọng sẽ được xóa bỏ thuế quan theo thỏa thuận.

Tại Costa Rica, mức thuế mới của Mỹ tác động rất đáng kể lên các sản phẩm nông nghiệp như dứa, chuối và cà phê. Giá trị xuất khẩu nông sản sang Mỹ của nước này năm 2024 đạt 1,626 tỷ USD.

Trong khi đó, tại Bolivia, Tổng thống nước này Luis Arce ngày 7/4 khẳng định Bolivia đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Phát biểu trong buổi họp báo tại thủ đô La Paz, ông Arce nhấn mạnh Bolivia đang nỗ lực mở ra các thị trường mới tại các nước thành viên BRICS, cũng như đang trong quá trình gia nhập hoàn toàn khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Theo Tổng thống Arce, mức thuế mà Tổng thống Trump áp đặt đối với các đối tác thương mại chính của Mỹ như Trung Quốc, EU và các nước Nam Mỹ sẽ khiến thương mại toàn cầu giảm mạnh.

Ngày 1/1 năm nay, Bolivia đã trở thành quốc gia đối tác của BRICS và hiện đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với các nước thành viên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục