Chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ: Lợi bất cập hại?

20:08' - 14/02/2019
BNEWS Việc tăng các khoản thuế thương mại mà Tổng thống Trump áp dụng đã đóng góp thêm nhiều tỷ USD cho ngân sách Mỹ nhưng thâm hụt ngân sách vẫn cao.
Mỹ áp thuế nhập khẩu xe ô tô từ EU. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc tăng các khoản thuế thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng từ năm ngoái đã đóng góp thêm 9 tỷ USD cho ngân sách nước này trong 3 tháng từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách vẫn cao hơn 42% so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo báo cáo ngân sách hằng tháng do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 13/2, tổng thuế hải quan nước này thu được trong quý I tài khóa 2019 (bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái) đã tăng lên 18 tỷ USD, so với cùng kỳ tài khóa 2018.

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách giai đoạn này lại tăng 94 tỷ USD lên 319 tỷ USD do tăng chi tiêu ngân sách gần 100 tỷ USD cho y tế, an sinh xã hội, quốc phòng và tiền lãi nợ công.

Tính cả tài khóa 2018 kết thúc vào tháng 9 vừa qua, thâm hụt ngân sách của Mỹ ở mức 779 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước đó.

 Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính mức thâm hụt ngân sách của nước này trong tài khóa 2019 có khả năng lên tới 900 tỷ USD.

Tổng thống Donald Trump luôn khẳng định việc áp các mức thuế nhập khẩu mới sẽ tạo nguồn thu lớn cho Chính phủ Mỹ, đặc biệt là khoản thuế nhập khẩu nhằm vào 250 tỷ USD hàng nhập khẩu hằng năm từ Trung Quốc.

Ngoài ra, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ, ông Trump cũng áp các mức thuế cao đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu cùng nhiều mặt hàng khác như tấm pin năng lượng mặt trời, máy giặt...., cho dù động thái này đã vấp phải các biện pháp đáp trả từ chính các đối tác thương mại của Washington.

Cùng ngày, một liên minh các doanh nghiệp Mỹ cũng công bố báo cáo cho thấy các doanh nghiệp nước này phải chi thêm 2,7 tỷ USD vì các biện pháp thuế đáp trả từ các đối tác thương mại của Mỹ trong tháng 11/2018.

Người phát ngôn của liên minh gồm nhiều doanh nghiệp và các tổ chức thương mại tại Mỹ, ông Charles Boustany cho rằng những số liệu trên chỉ ra chính người Mỹ mới là những người chịu thiệt hại lớn nhất từ cuộc chiến thương mại, các doanh nghiệp Mỹ cũng chịu thiệt hại, không chỉ từ các mức thuế đáp trả mà từ cả các biện pháp hạn chế nhập khẩu hàng hóa Mỹ ở những quốc gia nước ngoài là thị trường trọng điểm của nhiều nông dân và nhà sản xuất Mỹ.

Báo cáo chỉ ra hoạt động xuất khẩu của Mỹ chịu tác động mạnh trong tháng 11/2018 khi kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng chịu thuế đáp trả giảm 4,1 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Trong một diễn biến liên quan, số liệu hải quan công bố ngày 14/2 cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tháng 1 vừa qua đã giảm xuống còn 27,3 tỷ USD, từ mức 29,87 tỷ USD ghi nhận hồi tháng 12 năm ngoái.

Mức giảm trên xuất phát từ thực tế tỷ lệ hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 2,4%, trong khi tỷ lệ hàng nhập khẩu từ Mỹ vào nước này sụt giảm mạnh tới 41,2% trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới liên tục đưa ra các biện pháp áp thuế hàng hóa đáp trả lẫn nhau trị giá hàng trăm tỷ USD.

Cuộc chiến thương mại trên bùng phát từ giữa năm 2018. Cho đến nay, tổng lượng hàng hóa bị áp mức thuế mới của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.

Lãnh đạo hai nước nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày, kể từ 1/12/2018, để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng.

Ngày 11/2 vừa qua, vòng đàm phán thương mại cấp cao lần thứ hai giữa hai nước đã bắt đầu diễn ra tại Bắc Kinh trong nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại trước ngày 1/3 tới.

Nếu hai bên không đạt thỏa thuận trước thời hạn chót này, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Theo đó, hàng loạt lĩnh vực từ điện tử đến nông nghiệp sẽ chịu thiệt hại và phía Bắc Kinh có thể sẽ đáp trả mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục