Chính sách tiền tệ của Hàn Quốc sẽ thay đổi dưới thời tân Thống đốc BoK?

06:30' - 27/03/2022
BNEWS Tổng thống Moon Jae-in đã đề cử ông Rhee Chang-yong, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), làm Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK).

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc vừa cho biết, Tổng thống Moon Jae-in đã đề cử ông Rhee Chang-yong, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), làm Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) thay cho Thống đốc Lee Ju-yeol, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/3 tới. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times), vẫn sẽ có "khoảng trống quyền lực" tại BoK, bởi ông Rhee Chang-yong chỉ có thể nhậm chức Thống đốc sau khi vượt qua cuộc điều trần xác nhận tại Quốc hội.

Thông thường, ứng cử viên được giới thiệu cho vị trí Thống đốc BoK thường là người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức quốc tế lớn. Ông Rhee Chang-yong tham gia giảng dạy bộ môn kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) trước khi trở thành Nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ông đã tạo được chú ý vào tháng 2/2014 sau khi được đề cử vào vị trí Giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF.

Ông Rhee Chang-yong, 62 tuổi, học kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul và nhận bằng Tiến sỹ tại Đại học Harvard (Mỹ) đồng thời được biết đến là một người có quan điểm thực dụng. Ông Rhee Chang-yong cũng từng là thành viên của ủy ban kinh tế trong nhóm chuyển tiếp của chính quyền cựu Tổng thống Lee Myung-bak trước khi chính thức nhậm chức vào năm 2007.

Theo các nhà kinh tế, ông Rhee Chang-yong được kỳ vọng sẽ vạch ra các chính sách tiền tệ cân bằng nếu trở thành lãnh đạo tiếp theo của BoK. Kim Jin-ill, Giáo sư kinh tế tại Đại học Korea (Hàn Quốc), nhận định: "Với sự nghiệp trước đây của ông Rhee Chang-yong tại IMF, hiện còn quá sớm để nói liệu ông sẽ thể hiện lập trường diều hâu hay ôn hòa. Do chúng ta khó có thể đưa ra dự đoán trong thời điểm hiện tại nên cần phải chờ xem".

Kang Hyun-ju, một chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu Thị trường vốn Hàn Quốc (KCMI), cho rằng BoK sẽ không thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ của mình ngay cả sau khi ông Rhee Chang-yong trở thành Thống đốc mới. Ông nói: "Các nhận xét gần đây của ông ấy cho thấy dường như có quan điểm cân bằng về tăng trưởng kinh tế và giá cả. Bên cạnh đó, các báo cáo tổng kết kinh tế vĩ mô của IMF cũng phù hợp với dự báo của BoK". Theo nhà kinh tế này, ngay cả khi các thông tin chi tiết khác sẽ chỉ được công bố sau khi ông Rhee Chang-yong nhậm chức, song nhiều khả năng tân Thống đốc sẽ không sửa đổi chiến lược tiền tệ hiện tại của BoK.

Mặc dù người phát ngôn của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã bày tỏ lo ngại ngay sau thông báo của Nhà Xanh khi nói rằng: "Về việc đề cử Thống đốc BoK mới, Nhà Xanh đã không tổ chức bất kỳ cuộc tham vấn nào với nhóm chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol". Tuy nhiên, điều này dường như trái ngược với một cuộc họp ngắn của Nhà Xanh. 

Park Soo-hyun, Thư ký cấp cao về truyền thông của Tổng thống Moon Jae-in, cho biết trong một cuộc họp báo mới đây rằng: "Chúng tôi không thể chia sẻ thêm bất kỳ chi tiết nào về việc đề cử, nhưng chúng tôi quyết định công bố người được đề cử sau khi đã nhận được ý kiến của Tổng thống đắc cử".

Do nhiệm kỳ 5 năm duy nhất của Tổng thống Moon Jae-in sẽ kết thúc vào ngày 10/5 tới nên chính quyền đương nhiệm cũng như nhóm chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã và đang tiến hành một “cuộc chiến” căng thẳng liên quan đến việc đề cử các quan chức chính phủ chủ chốt. Nhà Xanh lập luận rằng việc đề cử được đưa ra để tránh xảy ra "khoảng trống quyền lực" tại BoK.

Theo kế hoạch, tân Thống đốc BoK có khả năng sẽ bắt đầu sự nghiệp của mình vào ngày 1/4 tới vì sẽ mất ít nhất 2 tuần để hoàn thành các phiên điều trần tại Quốc hội. Thống đốc Lee Ju-yeol cũng đã phải cần tới 16 ngày để nhậm chức sau khi được tái đề cử vào tháng 3/2014.

Tờ Thời báo Hàn Quốc đi đến kết luận rằng, với những dấu hiệu của sự bất đồng leo thang giữa đảng cầm quyền và đối lập về việc đề cử này, rất có thể thủ tục pháp lý liên quan tại Quốc hội sẽ còn bị trì hoãn thêm. Do đó, vẫn chưa rõ liệu tân Thống đốc BoK có thể tham dự cuộc họp của Hội đồng quản trị tiền tệ tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 14/4 tới hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục