Chính sách tiền tệ đang phải đối mặt với những sức ép nào?

07:39' - 16/08/2016
BNEWS Bức tranh kinh tế cuối năm đang đặt ra những thử thách cho ngành ngân hàng khi nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2016 khó đạt mục tiêu đề ra.
Dự thảo Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đã nhận được ý kiến khác nhau. Ảnh: NHNN

Không khó để có thể nhận thấy câu chuyện điều hành chính sách tiền tệ lúc này đang phải đối mặt với bài toán làm thế nào để vừa giảm được lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa phải kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm?

Áp lực tăng nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ổn định

Tại Nghị quyết số 71/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất.

Các ngân hàng thương mại hiện duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Nhiều chuyên gia cho rằng, với tình hình hiện nay, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang đặt Ngân hàng Nhà nước vào vị trí chịu rất nhiều áp lực khi phải đảm bảo duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp và kiểm soát lạm phát. Vấn đề mấu chốt nhất là giảm mặt bằng lãi suất khi dư địa để giảm không còn nhiều.

Ngân hàng Nhà nước nhận định, trong những tháng đầu năm 2016 mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng nhanh.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Chính phủ đã chủ trương tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, một trong những chủ trương là ổn định lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện mục tiêu này, trong điều hành hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát thị trường và điều tiết đưa tiền ra, hút tiền về để làm sao điều tiết thanh khoản toàn hệ thống có dư thừa hợp lý, duy trì mức lãi suất hợp lý.

“Việc điều tiết này, giúp ngăn chặn xu hướng các ngân hàng quay ra huy động tiết kiệm thị trường 1, đẩy lãi suất huy động tăng”, Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì họp báo thông tin hoạt động ngân hàng nhà nước. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS

Phó Thống đốc cũng cho hay, trên cơ sở diễn biến vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành và thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giữ ổn định lãi suất huy động.

Bà Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, để phấn đầu giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các chỉ thị chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay;

Ban hành thông tư sửa đổi quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; trong đó điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm. Thực tế có ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, kỳ hạn trung và dài hạn.

Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều

Mục tiêu điều hành những tháng cuối năm của Ngân hàng Nhà nước vẫn là giữ ổn định mặt bằng lãi suất, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.

Dư địa để giảm lãi suất ngân hàng từ nay tới cuối năm không còn nhiều. Ảnh minh họa: Techcombank

Theo Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, dư địa để giảm lãi suất từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Tuy nhiên, giữ mức lãi suất ở mức ổn định là thông điệp mà doanh nghiệp cần.

Vị chuyên gia này phân tích, doanh nghiệp sợ là họ vay hôm nay lãi suất 8% nhưng vay trung dài hạn 5 năm nhưng 2 năm sau lãi suất được điều chỉnh lên 12% thì họ sẽ rất bị động. Miễn sao có sự cam kết giữ ổn định lãi suất trong thòi gian dài, đó mới là điều doanh nghiệp quan tâm.

“Bản thân doanh nghiệp cũng muốn lãi suất huy động xuống và ngân hàng cũng vậy. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp cổ phần, chịu áp lực từ cổ đông. Lãi suất huy động cao hay thấp đều là sự mong muốn của các doanh nghiệp và kể cả ngân hàng. Tôi vẫn giữ quan điểm là làm sao hạ lãi suất thấp hơn, cơ sở là phải ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định, việc giảm lãi suất ở thời điểm này là vô cùng khó.

NHNN quyết tâm trong năm 2016 giảm áp lực xử lý nợ xấu, kiểm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Chính vì vậy, bằng những nỗ lực như giảm thiểu chi phí quản trị, xử lý nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), rồi bằng một số công cụ khác như tái cấp vốn, nỗ lực để giữ được lãi suất tương đối ổn định, nếu có tăng thì tăng không đáng kể là điều cần thiết. Nếu làm được như vậy thì đấy là thành công của Ngân hàng Nhà nước.

Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, vấn đề là từ nay đến cuối năm chính sách tiền tệ phải tiếp tục bám theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phải phối hợp với chính sách tài khóa để vừa kiểm soát lạm phát vừa kéo giảm được lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong những tháng còn lại của năm 2016, nhà điều hành vẫn kiên định chính sách tiền tệ bám theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục