Chợ Cồn - Ký ức đô thị Đà Nẵng: Gìn giữ cho tương lai

16:01' - 13/05/2020
BNEWS Đầu năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi Phương án quy hoạch, kiến trúc chợ Cồn Đà Nẵng và nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân.

Sau 35 năm, công trình biểu tượng một thời này đã xuống cấp, không theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thành phố du lịch nổi tiếng miền Trung. Thay đổi để phù hợp với tình hình mới nhưng vẫn giữ lại được cái hồn ký ức đô thị, là điều người dân và chính quyền Đà Nẵng mong muốn ở cuộc thi thiết kế chợ Cồn lần này.

Cần thay đổi để thích ứng

Treo những bộ quần áo đẹp nhất lên phía trước, bà Lê Thị Tức đang sửa soạn cho một ngày buôn bán mới. Đây là công việc quen thuộc hàng ngày của bà, suốt từ năm 1975 đến nay.

Mỗi lối đi, mỗi sạp hàng tại chợ Cồn đều in đậm trong tâm trí của bà chủ sạp quần áo này, tưởng như nhắm mắt bà cũng có thể đi hết được.

Biết tin chợ Cồn sắp được xây mới, bà Lê Thị Tức vừa mừng, vừa lo. Bà mừng vì chợ mới chắc chắn sẽ khang trang, sạch đẹp hơn, diện tích sạp hàng và đường đi trong chợ sẽ rộng rãi hơn.

Nhưng bà cũng lo vì công việc buôn bán đang ổn định, liệu xây chợ mới có đông khách không và vị trí kinh doanh của các sạp hàng mới có bị xáo trộn không?

“Những điều càng thân quen càng khó để thay đổi nhưng tôi và các tiểu thương vẫn ủng hộ dự án xây mới chợ Cồn. Nhiều vị trí trong chợ đã xuống cấp và diện tích các sạp hàng quá nhỏ, không còn thích hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện nay.” - Bà Tức tâm sự.

Sạp hàng quần áo của bà Tức có diện tích chưa đầy 3 m2, nhưng đã thuộc diện lớn trong chợ. Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng (đơn vị quản lý chợ Cồn) cho biết: Trung bình các sạp hàng khác có diện tích chỉ khoảng 1 đến 3 m2.

Việc kinh doanh buôn bán thuận lợi khiến cho ngày càng nhiều tiểu thương tập trung buôn bán tại chợ Cồn, nhưng diện tích của chợ mấy chục năm nay không thay đổi.

Từ khoảng 500 sạp hàng, đến nay, chợ Cồn đã có trên 1.700 sạp hàng cố định và 300 gian hàng khác. Năm 2019, tổng thu phí chợ, dịch vụ và sự nghiệp khác vào khoảng 18,7 tỉ đồng.

Từng là công trình tự hào năm 1985, nhưng sau 35 năm, chợ Cồn hiện nay đã bộc lộ những vấn đề như: Nhiều khu vực đã xuống cấp, bị thấm, dột; khu vực để xe luôn trong tình trạng quá tải. Vấn đề xử lý nước thải, rác thải cũng đang bộc lộ nhiều nhược điểm.

“Trong những năm qua, Ban Quản lý chợ cùng các tiểu thương đã rất nỗ lực để giữ gìn chợ luôn sạch đẹp, an toàn nhưng vẫn rất khó khăn vì chợ đã xuống cấp. Thành phố đã có chủ trương xây dựng lại chợ từ những năm 2000. Tôi cũng rất mừng vì đến nay đã tổ chức cuộc thi thiết kế, quy hoạch lại chợ Cồn” - Ông Mai Phước Ba cho biết.

Tìm giao thoa giữa hiện đại và truyền thống

Theo đại diện Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng), đơn vị tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc xây dựng chợ Cồn mới, phương án kiến trúc được UBND thành phố phê duyệt sẽ có tổng diện tích xây dựng sàn đề xuất là gần 21.000 m2, cao tối đa 8 tầng. Trong đó, Khu vực chợ truyền thống (bố trí lại cho tiểu thương hiện có) tối đa 3 tầng; khu vực khai thác thương mại tối đa 5 tầng; khu vực tầng hầm để xe tối đa 2 tầng.

Đặc biệt, quy hoạch chợ Cồn mới còn tính đến phương án bố trí khu chợ đêm, khu ẩm thực đêm phục vụ cho người dân và du khách. Chợ đêm hoạt động từ 19 giờ đến 23 giờ. Sản phẩm chủ yếu là hàng ăn, đồ lưu niệm, áo quần, giày dép, thời trang… Đây hứa hẹn là điểm đến thu hút khách du lịch, những người mong muốn khám phá “thiên đường ẩm thực” Đà Nẵng.

Qua gần 2 tháng triển khai cuộc thi Phương án quy hoạch, kiến trúc chợ Cồn Đà Nẵng, Ban Tổ chức đã nhận được 21 phương án tham gia dự thi từ 19 đơn vị, trong đó có 2 đơn vị nước ngoài. Sau đó, các phương án thiết kế này đã được trưng bày tại chợ để lấy ý kiến người dân, tiểu thương trong chợ.

Sau khi tham khảo các phương án dự thi thiết kế chợ Cồn, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Đà Nẵng góp ý: Phương án được chọn phải nhấn mạnh vào “yếu tố chợ truyền thống”, thiết kế kiến trúc thế nào để tạo điều kiện đến mức cao nhất cho đông đảo tiểu thương tiếp tục buôn bán thuận lợi, tránh biến chợ Cồn thành… Cồn Plaza.

Trung tâm Thương mại Vĩnh Trung Palaza (đối diện chợ Cồn) hiện nay cũng hình thành từ chợ Vĩnh Trung cũ (khánh thành 2007), nhưng tiểu thương chợ Vĩnh Trung trước đây đã không đủ sức để thuê mặt bằng kinh doanh tại tòa nhà này nữa.

Đối với các tiểu thương tại chợ, điều mà họ quan tâm nhất là chợ mới phải thuận tiện cho kinh doanh và có mức thu phí hợp lý. Chủ sạp quần áo Lê Thị Tức mong muốn khu vực dành cho buôn bán sẽ thuận tiện trong giao thông, dễ tiếp cận người mua, không xây quá cao vì các tiểu thương không ai muốn lên tầng trên cả.

“Hiện nay, tổng cộng giá thuê sạp và các chi phí khác của tôi chưa tới 1 triệu đồng/tháng. Mong rằng sau khi chợ được xây mới, chi phí sẽ không bị đội lên quá nhiều. Tôi cũng mong muốn Nhà nước sẽ đầu tư và tiếp tục quản lý chợ Cồn mới, không giao cho doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, các tiểu thương được yên tâm làm ăn lâu dài.” - Bà Lê Thị Tức nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thơm, người kinh doanh tạp hóa tại chợ Cồn từ năm 1971 cho biết: Chúng tôi không muốn các doanh nghiệp đầu tư và tiếp quản chợ Cồn mới, vì họ sẽ chỉ tính đến lợi nhuận của họ.

Nếu Nhà nước thiếu vốn đầu tư, tập thể tiểu thương chợ Cồn sẵn sàng đóng góp kinh phí theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Bà Thơm nói: “Tôi muốn sau này vẫn tự hào nói với con cháu rằng mình là tiểu thương ở chợ Cồn, chứ không phải là một nhân viên siêu thị.”

Ngày 24/4 vừa qua, Hội đồng tuyển chọn cuộc thi thiết kế chợ Cồn đã tiến hành sơ khảo và chọn ra 14 phương án tối ưu nhất để vào vòng báo cáo thuyết trình. Hiện nay, Hội đồng tuyển chọn cuộc thi vẫn đang họp bàn, lựa chọn phương án thích hợp nhất để trao giải.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn cuộc thi khẳng định: Phương án kiến trúc chợ Cồn phải bảo đảm tính truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của thành phố, tạo dựng được hình ảnh riêng, đặc trưng thương hiệu chợ Cồn, gợi nhớ lại giá trị lịch sử lâu đời của chợ.

Hội đồng tuyển chọn sẽ chọn ra phương án dự thi có chất lượng tốt nhất làm cơ sở trình UBND thành phố xem xét, lựa chọn triển khai vào thực tế.

Việc các tiểu thương đồng lòng xin giữ lại tên chợ Cồn cho thấy cái tên này đã gắn bó và ăn sâu vào tâm thức của bao thế hệ người Đà Nẵng.

Hy vọng rằng, chủ trương đúng đắn của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và sự ủng hộ của bà con tiểu thương sẽ góp phần gìn giữ và phát triển “ký ức đô thị” chợ Cồn còn mãi cho thế hệ mai sau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục