Chợ đồ cũ Hà Nội

15:11' - 07/12/2023
BNEWS Chợ đồ cũ đường Hoàng Hoa Thám là một trong những điểm mà những người yêu thích sưu tầm thường tìm đến.

Mỗi sáng thứ bảy, con ngõ nhỏ số 456 đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, lại nhộn nhịp bởi hàng trăm vị khách hàng tìm đến. Nhiều người chăm chú tìm mua những món đồ vừa ý, trong khi nhiều người chỉ đơn giản là đi lòng vòng ngắm nghía, chuyện trò và tận hưởng niềm vui.

Dường như mọi ngóc ngách Hà Nội đều giữ trong mình những bí mật nho nhỏ. Đi bộ để khám phá những góc nhỏ tranh sáng tranh tối của Hà Nội là cách tốt nhất để tìm ra những viên ngọc quý còn đang ẩn giấu đâu đó. Chợ đồ cũ đường Hoàng Hoa Thám là một trong những điểm mà những người yêu thích sưu tầm thường tìm đến. Tại đây, bạn có thể thấy hàng chục gian hàng bán những đồ lặt vặt như tem cổ, đồng xu cổ và các vật dụng từ thời chiến tranh.

Cựu ảnh sát Nguyễn Minh Đại Dương đã bán hàng ở đây được 2 năm. Gian hàng của anh trưng bày quân dụng từ thời chiến tranh, như mũ và áo bộ đội, thậm chí cả những tấm huy chương cũ kỹ nhưng nét vàng son vẫn còn óng ánh. "Mỗi người đến đây đều có sở thích khác nhau," anh nói. "Một số người đến đây để tìm kiếm những đồ từ những ngày xưa. Ban đầu, tôi sưu tập những thứ này, sau đó mang đến đây để chia sẻ và trao đổi với người khác. Đơn giản là, tôi bán những thứ ở đây cho vui."

 

Dương cho biết hàng hóa của anh được thu thập từ các chợ đồ cổ hoặc từ những người sưu tập cá nhân. Một số mua từ các gia đình khi họ dọn dẹp nhà cửa. Dần dần, anh xây dựng một bộ sưu tập và chia sẻ nó với mọi người có cùng sở thích ở khu chợ này. Trong tuần, Dương dạy tiếng Anh. "Sau một tuần làm việc, tôi đến đây mỗi sáng thứ Bảy và cảm thấy rất thư giãn," anh nói.

Cựu binh Ngô Thế Cường cũng cho biết anh đến đây mỗi sáng thứ Bảy để trao đổi và tìm kiếm niềm vui. "Tôi sưu tập những vật dụng cũ từ châu Âu như đồng hồ chẳng hạn, những thứ đã được sản xuất từ lâu, mang trong mình dấu tích lịch sử. Ở đây, tôi có thể chia sẻ bộ sưu tập của mình với những người có chung đam mê,  vừa vui và lại có thêm chút tiền”.

Những món đồ anh bán được người nhà của anh gửi về. "Tôi sưu tập chúng như một sở thích và cũng bán được khá nhiều," anh nói. Nhiều khách hàng đến đây không chỉ để mua đồ mà còn đơn giản là để tận hưởng không khí thân thiện. Cô sinh viên Nguyễn Linh Chi đến đây lần đầu để tìm mua vòng cổ. "Vòng cổ ở đây rất đa dạng, với nhiều màu sắc, phong cách khác nhau," cô nói. "Những người bán hàng nói rằng những chiếc vòng cổ này đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi hy vọng tìm thấy những thứ tôi thích."

Giá cả các món hàng ở đây phụ thuộc vào tình trạng của hàng hóa, những sản phẩm mới hơn thường có giá trội hơn. "Không khí ở đây rất náo nhiệt và mặc dù đây là lần đầu tiên tôi đến đây, nhưng tôi rất thích không khí nơi này," Chi nói. "Tôi hy vọng có thể tìm thấy món gì đó, có thể đã qua sử dụng nhưng vẫn mang trong mình giá trị nào đó" cô nói.

Lê Hùng, một vị khách trung niên, dạo chợ cùng một người bạn. Hùng cho biết chợ bán đồ cũ nên phù hợp với những người ưa hoài cổ, chứ phải là nơi lui tới của những người muốn mua đồ mới. "Ở đây có cả đồ cổ và đồ giả cổ," anh nói. "Tôi đặc biệt thích đồng hồ. Tôi dành rất nhiều thời gian để ngắm nhìn những chiếc đồng hồ cũ ở đây. Giá cả dao động tùy thuộc vào sản phẩm. Khó nói liệu chúng có rẻ hay đắt, nhưng nhìn chung là rất thú vị."

Hùng cho biết không chỉ phụ nữ mà còn có nhiều đàn ông thích mua sắm ở đây. Anh khẳng định chợ đồ cũ là một đặc điểm văn hóa thú vị. "Mặc dù không được các cơ quan chính thức công nhận, nhưng đây là nơi dành cho những người muốn trao đổi những thứ cũ.

Ye Jun Lee, người Hàn Quốc, rất thích tem. Anh đã dành nhiều thời gian ngắm nghĩa ở gian hàng bán tem và xu cổ. "Ở đây, tôi có thể tìm thấy những con tem cổ độc đáo ở đây mà không thể thấy ở bất kỳ nơi nào khác," anh nói. "Tôi đã nghe về chợ này từ lâu và bây giờ tôi có cơ hội ghé thăm. Tôi nghĩ rằng ngoài siêu thị hiện đại, một chợ trời bán đồ cổ là cần thiết và có ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Tôi thích đi chợ nơi này vì tôi thích sưu tập đồ cổ, đặc biệt là tem."

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục