Tái hiện không gian chợ tranh Đông Hồ

16:44' - 22/11/2023
BNEWS Ngày 22/11, tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức trưng bày tái hiện không gian Chợ tranh Đông Hồ.

Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp thông tin: Tranh Đông Hồ có tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, một dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ (nay là khu Tú Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành). Đây là loại tranh thường được phát hành vào dịp Tết Nguyên đán, nên còn gọi là tranh Tết.

Chợ tranh Tết xưa diễn ra tại đình Đông Hồ vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp hàng năm. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn bức tranh các loại được mang ra bày bán. Khách mua tranh từ khắp các tỉnh gần xa xuôi theo sông Đuống, theo các tuyến đường bộ về buôn tranh. Mọi người mua tranh trả tiền hay dùng hàng hóa đổi lấy tranh đều được. Sau năm 1945, cùng với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, chợ tranh Đông Hồ không còn được tổ chức.

Trưng bày chợ tranh Đông Hồ nhằm tái hiện không gian chợ tranh Đông Hồ xưa. Khu trưng bày với 20 gian hàng giới thiệu về nghề làm tranh, nguyên liệu, các sản phẩm tranh đặc sắc của làng tranh Đông Hồ. Về với chợ tranh du khách còn được hòa mình vào không gian của vùng quê Kinh Bắc với những sản phẩm truyền thống của quê hương như các loại hoa, quả, rau củ,... của vùng quê. Qua đó, định hình xây dựng một sản phẩm du lịch của tỉnh Bắc Ninh.

Tranh dân gian Đông Hồ là dòng tranh nổi tiếng của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang đối mặt với những thách thức, sự thu hẹp của thị trường tiêu thụ sản phẩm và nguy cơ mai một của thế hệ nghệ nhân cao tuổi. Đông Hồ xưa kia có 17 dòng họ cùng tham gia sản xuất tranh thì nay chỉ còn 3 dòng họ giữ được nghề của cha ông với khoảng 30 người trực tiếp tham gia vào hoạt động làm tranh. Việc bảo vệ, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là cần thiết, cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và nghệ nhân.

Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2017, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách các Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tháng 3/2020, Việt Nam đệ trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để được xem xét ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và dự kiến được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2024.

Tin liên quan

  • Gìn giữ giá trị khèn Mông Đời sống

    Gìn giữ giá trị khèn Mông

    07:00' - 22/11/2023

    Trong đời sống đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), khèn vừa là nhạc cụ để nói lên tiếng lòng, vừa là phương tiện giao tiếp với thế giới tâm linh.

  • Người thầy "truyền lửa" đam mê Đời sống

    Người thầy "truyền lửa" đam mê

    10:43' - 21/11/2023

    Không chỉ tận tụy trong giảng dạy, thầy Bùi Văn Tròn - Thạc sĩ, giáo viên môn Vật lý (Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre) còn là người truyền cảm hứng, đam mê sáng tạo khoa học cho học sinh.


Tin cùng chuyên mục