Chợ truyền thống tại Bà Rịa-Vũng Tàu lay lắt, đìu hiu

10:28' - 28/04/2022
BNEWS Hiện nay, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang rơi vào cảnh lay lắt, đìu hiu khách. Nhiều hàng sạp phải đóng cửa vì quá ế ẩm, không có khách đến mua.

*Chợ ế ẩm, vắng khách

Chợ Vũng Tàu là một trong những chợ đầu mối lớn nhất của thành phố Vũng Tàu, chợ có tuổi đời hơn 40 năm. Những năm đầu hoạt động, chợ Vũng Tàu luôn thu hút đông đảo người dân và du khách đến mua sắm.

Thời điểm các quầy sạp đông nhất vào năm 2016, chợ Vũng Tàu có 1.740 quầy sạp, với gần 900 hộ kinh doanh. Nhưng đến nay, sức mua tại chợ ngày càng giảm sút, theo thống kê của Ban Quản lý chợ Vũng Tàu, lượng khách đến mua sắm tại chợ Vũng Tàu chỉ bằng 50% so với 5 năm trước.

Chính vì vậy, hiện tiểu thương tại chợ Vũng Tàu chỉ còn khoảng 500 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như: rau xanh, thịt lợn, gà, cá và một số mặt hàng tươi sống khác.

Đặc biệt, sau thời điểm dịch bùng phát, mọi hoạt động trở lại bình thường nhiều tiểu thương mở quầy bán trở lại nhưng ế ẩm đành đóng cửa. Bà Phạm Thị Ninh, tiểu thương tại chợ Vũng Tàu buồn rầu cho biết, trước khi dịch bùng phát bà con tiểu thương đã buôn bán ế ẩm, thế nhưng đến nay dịch đã cơ bản được kiểm soát nhưng số người tới mua hàng ngày càng vắng.

 

Nhiều bà con tiểu thương không có đủ tiền để cầm cự đành phải trả lại kiot đi làm nghề khác. "Có ngày chúng tôi ra chợ chỉ để có mặt rồi lại về vì không bán được hàng" - bà Phạm Thị Ninh nói.

Còn tại chợ Đất Đỏ, mặc dù được đầu tư khang trang, sạch đẹp và nằm ngay trục đường chính Quốc lộ 55 nhưng chợ cũng ngày càng đìu hiu. Nhiều tiểu thương tại chợ cho biết, sức mua của người dân những năm gần đây giảm đi rất nhiều. Chỉ có những dịp lễ, Tết hoặc những dịp đặc biệt như khai giảng năm học mới thì sức mua tại chợ mới tăng lên nhưng vẫn không đáng kể.

Theo Ban Quản lý chợ Đất Đỏ, do sức mua thời gian gần đây giảm mạnh, nên số tiểu thương kinh doanh tại chợ nghỉ rất nhiều. Chợ Đất Đỏ có gần 300 hộ đăng ký kinh doanh mua bán nhưng thực tế hiện nay chỉ còn có hơn 70% số quầy sạp đang hoạt động, số quầy sạp còn lại phải đóng cửa vì quá ế ẩm.

Theo khảo sát của phóng viên các nhóm mặt hàng bán tại chợ có khách thường xuyên là nhóm hàng nhu yếu phẩm, thịt tươi sống. Còn nhóm quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm… thì gần như không có khách hàng.

Chị Trần Thị Hương, tiểu thương chợ Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ chia sẻ, chị bán mặt hàng mỹ phẩm tại chợ Đất Đỏ đã hơn 10 năm nay, trước đây còn buôn bán được, thế nhưng thời điểm gần đây ngày càng ế ẩm, các mặt hàng tiêu thụ không đến 50% so với trước đây. Tiền thuê kiot vẫn phải đóng vào hàng tháng nên tôi vẫn phải mở cửa hàng ngày mặc dù rất ế ẩm.

Còn chị Nguyễn Thị Bích, tiểu thương buôn bán quần áo tại chợ Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ cũng chia sẻ, người dân tại địa phương giờ đi chợ chỉ mua thực phẩm tươi sống, còn các mặt hàng quần áo thì ế ẩm hầu như không có người mua.

Hiện nay, mỗi tháng phải đóng hơn 3 triệu tiền thuê mặt bằng, rồi tiền chi trả tiền thuê nhân viên, rồi tiền điện, nước… nếu tình trạng này kéo dài, chị cũng phải bỏ chợ.

Theo thống kê của Sở Công Thương, thị trường nông thôn chiếm từ 60-70% tổng dung lượng thị trường của Bà Rịa-Vũng Tàu. Ở các vùng nông thôn, hàng hóa được phân phối chủ yếu qua hệ thống các chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, khảo sát qua nhiều chợ truyền thống tại các vùng nông thôn cho thấy, tình hình mua bán cũng không mấy khả quan.

Chợ Long Tân ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ là một ví dụ, chợ nằm ngay trục đường Tỉnh lộ 52 với vị trí thuận luận cho việc buôn bán, chợ bắt đầu đi vào hoạt động tháng 4/2013 với hơn 50 hộ tiểu thương đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, do sức mua tại chợ không cao nên tiểu thương lần lượt bỏ chợ. Đặc biệt, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội đến nay đã có 35/42 tiểu thương trả lại kiot, ô sạp, khiến chợ không khác gì một cái chợ bỏ hoang.

Những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, các chợ truyền thống không ngừng được đầu tư khang trang, sạch đẹp kể cả chợ ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên…dù đẹp, nhưng chợ vẫn ế.

*Chuyển đổi để vực lại chợ truyền thống

Có rất nhiều nguyên nhân khiến chợ truyền thống ngày càng điu hiu khách; trong đó, có nguyên nhân đến từ việc bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, bên cạnh nguyên nhân bị các chợ tự phát bủa vậy, còn có nguyên nhân đến từ việc khách hàng thay đổi thói quen mua sắm qua kênh mua sắm online hay mua qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi với giá niêm yết công khai, đầy đủ mà không cần phải mặc cả, trả giá hay giá thách trên trời của các tiểu thương như ở chợ truyền thống.

Theo khảo sát, thời gian qua, tại nhiều thành phố, thị trấn, khu dân cư đông đúc… trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cửa hàng thuộc các hệ thống bán lẻ thực phẩm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi như: WinMart+, Co.opFood, Bách hóa xanh…

Các chuỗi cửa hàng này là một trong những kênh mua sắm mới ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Chính điều này khiến sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ truyền thống giảm, trong đó, những mặt hàng như hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép... bị tác động nhiều nhất.

Theo các cơ quan chức năng, trong bối cảnh cửa hàng bán lẻ hiện đại ngày càng mở ra nhiều, nếu các chợ truyền thống không chủ động thay đổi sẽ khó cạnh tranh được.

Hàng hóa phải bảo đảm được nguồn gốc, xuất xứ, giá cả phải được niêm yết rõ ràng và bỏ thói quen thách giá cao, chèo kéo khách hàng, cũng như việc nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng của các tiểu thương tại chợ truyền thống là những việc làm hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức của người dân, tiểu thương trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ.

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa đầu tư, quản lý các chợ truyền thống cũng là mô hình đã đem lại hiệu quả, góp phần hoàn thiện hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh này không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn giảm gánh nặng chi phí cho cơ quan nhà nước trong việc đầu tư, quản lý chợ.

Đặc biệt, mô hình này cũng góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Việc thu thuế đối với doanh nghiệp quản lý kinh doanh chợ và các tiểu thương thực hiện kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Sở Công Thương tỉnh, thời gian tới, để hoạt động chợ truyền thống đạt hiệu quả, phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ưu tiên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý chợ tại các chợ hiện hữu theo hình thức xã hội hóa.

Bên cạnh đó, đối với những chợ truyền thống đã xuống cấp, ngành cũng sẽ phối hợp các địa phương có phương án để từng bước nâng cấp, cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu buôn bán và mua sắm của tiểu thương và người dân, du khách khi đến du lịch tại địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục