Chọn mua ô tô nhập khẩu hay lắp ráp trong nước giữa “ma trận” ưu đãi?

15:04' - 15/04/2025
BNEWS Thị trường ô tô Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua giảm giá mạnh cả xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước. Giữa “ma trận” ưu đãi, xả hàng tồn kho, người tiêu dùng nên chọn loại xe nào để tối ưu chi phí?

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 3/2025 thị trường Việt Nam được bổ sung tổng cộng khoảng 58.075 ô tô mới, bao gồm cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc.

 

Còn Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên tháng 3/2025 đạt 31.750 xe, tăng 47% so với tháng trước. Tính thêm doanh số của VinFast, và TC Group, toàn thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 49.118 xe trong tháng 3 vừa qua, cung vượt cầu gần 9.000 xe.

Đặc biệt, tình trạng cung vượt cầu đã kéo dài từ năm 2024. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng nguồn cung trong năm 2024 đạt khoảng 620.740 xe, trong khi tổng lượng xe tiêu thụ cả năm chỉ khoảng 510.000 chiếc. Như vậy, thị trường đã dư thừa hơn 110.000 xe, và khoảng cách này tiếp tục nới rộng trong những tháng đầu 2025. Do cung vượt cầu nên cả xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) và xe lắp ráp (CKD) đều được các hãng mạnh tay giảm giá để xả hàng tồn kho, đặc biệt là các mẫu xe sản xuất năm 2023 và 2024.

Ngoài giảm giá trực tiếp, người mua còn được hỗ trợ từ 50 đến 100% lệ phí trước bạ, tặng gói bảo hiểm vật chất, phụ kiện chính hãng, hỗ trợ vay mua xe với lãi suất ưu đãi. Đây là thời điểm lý tưởng để người tiêu dùng sở hữu ô tô với chi phí tối ưu, nhất là với các mẫu xe SUV, sedan hạng B và C – vốn đang có mức cạnh tranh mạnh về giá.

Đây là thời điểm lý tưởng để người tiêu dùng sở hữu ô tô với chi phí tối ưu, nhất là với các mẫu xe SUV, sedan hạng B và C – vốn đang có mức cạnh tranh mạnh về giá. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nên mua ô tô nhập khẩu hay lắp ráp trong nước? Đâu là lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng và ngân sách cá nhân? Dưới đây là chi tiết về ưu – nhược điểm từng loại xe.

Xe nhập khẩu nguyên chiếc: Công nghệ tiên phong, chất lượng toàn cầu

Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc là sản phẩm được sản xuất và lắp ráp hoàn chỉnh tại nước ngoài, sau đó nhập khẩu về Việt Nam phân phối. Đây là lựa chọn yêu thích của nhiều khách hàng nhờ chất lượng đồng bộ và thiết kế hiện đại.

Theo các chuyên gia trong ngành, ưu điểm nổi bật của xe nhập khẩu sẵn có như chất lượng đồng đều. Các mẫu xe được sản xuất tại nhà máy quốc tế, tuân thủ quy trình kiểm định khắt khe, đảm bảo độ bền và ổn định vận hành.

Bên cạnh đó là xe được cập nhật thiết kế, công nghệ sớm. Xe nhập khẩu thường mang những công nghệ an toàn và tiện nghi mới nhất, được giới thiệu sớm hơn so với xe lắp ráp trong nước.

Cùng với đó, những mẫu xe nhập khẩu từ Nhật Bản, châu Âu hay Thái Lan thường có giá trị thương hiệu, được người tiêu dùng đánh giá cao hơn.

Mặc dù vậy, xe nhập khẩu thường có giá cao hơn bởi chịu thuế nhập khẩu, phí vận chuyển và chi phí kiểm định, khiến giá thành thường cao hơn 10–20% so với bản lắp ráp nội địa.

Ngoài ra, một số mẫu xe nhập khẩu có thời gian chờ lâu vì phụ thuộc vào quota và chính sách nhập khẩu. Hơn nữa, chi phí bảo dưỡng, phụ tùng của xe nhập khẩu cũng thường cao hơn do thay thế linh kiện có thể mất thời gian và tốn kém do phụ tùng phải nhập khẩu. 

Xe lắp ráp trong nước: Giá hợp lý, dịch vụ linh hoạt

Xe lắp ráp trong nước (CKD) là các mẫu xe do hãng phân phối chính thức sản xuất tại Việt Nam. Nhờ được hưởng ưu đãi thuế và chi phí nhân công thấp nên các mẫu xe CKD thường có giá bán cạnh tranh hơn.

Ưu điểm của xe lắp ráp trong nước là về giá bán. Nhờ miễn thuế nhập khẩu linh kiện và tiết kiệm chi phí logistics, nhiều mẫu xe như Mazda, Hyundai, Kia... có giá bán hợp lý, dễ tiếp cận.

Cùng với đó, chi phí sử dụng thấp, phụ tùng dồi dào, giá rẻ, dễ bảo trì tại hệ thống đại lý toàn quốc.

Đặc biệt, với các dòng xe sản xuất lắp ráp trong nước, do cung đang vượt cầu nên các hãng thường xuyên triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 30 – 100 triệu đồng, tặng bảo hiểm hoặc hỗ trợ từ lệ phí trước bạ.

Không chỉ vậy, thời gian giao xe cũng nhanh hơn, khách hàng thường nhận xe ngay mà không cần chờ đợi lâu.

Tuy vậy, dù chất lượng xe lắp ráp ngày càng cải thiện, nhưng vẫn có lo ngại về độ hoàn thiện so với xe sản xuất tại nước ngoài. Ở một số phiên bản, tính năng an toàn hoặc tiện nghi, công nghệ có thể thấp hơn như ở thị trường nước ngoài. Ngoài ra, thiết kế ở một số mẫu xe còn chậm cập nhật, thường đi sau 6 – 12 tháng so với bản quốc tế về thiết kế hoặc nâng cấp phần mềm.

Các chuyên gia cho rằng, mỗi dòng xe lắp ráp hay nhập khẩu đều có những ưu nhược điểm riêng biệt. Nếu người tiêu dùng ưu tiên thương hiệu quốc tế, trải nghiệm lái cao cấp và không quá lo về chi phí, xe nhập khẩu là lựa chọn hợp lý.

Trong khi đó, nếu người tiêu dùng cần một chiếc xe tiết kiệm, dễ bảo trì, phục vụ nhu cầu gia đình hoặc công việc hằng ngày, xe lắp ráp trong nước sẽ phù hợp hơn.

Dù chọn xe nào, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mãi, chính sách bảo hành và hậu mãi để có được giá trị đầu tư cao nhất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục