BNEWS
Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã xử lý trên 49.500 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhập lậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thu nộp ngân sách trên 240 tỷ đồng.
Với vai trò “bộ lọc” trên mặt trận chống hàng giả, hàng lậu, 6 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trên diện rộng nhằm góp phần làm sạch thị trường. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 70.150 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhập lậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý trên 49.500 vụ vi phạm với tổng số thu nộp ngân sách trên 240 tỷ đồng.
*Chảo lửa luôn nóng Thống kê từ Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý đối với các mặt hàng nhạy cảm và đã mang lại nhiều kết quả tốt. Đặc biệt, tình hình kinh doanh xăng dầu tại các cửa khẩu biên giới tương đối ổn định. Tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm trái phép đã cơ bản được ngăn chặn, đẩy lùi, giúp cho chăn nuôi gia cầm, sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước có điều kiện phát triển. Hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm được chấn chỉnh và lập lại trật tự, kỷ cương.
Mặt hàng buôn lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồ dùng bách hóa, đồ ăn, hàng điện tử, vàng các loại...với thủ đoạn vận chuyển truyền thống là xé lẻ hàng hoá vận chuyển bằng xe khách, xe tải nhẹ từ biên giới vào sâu nội địa, đan xen hàng hoá có xuất hóa đơn từ các chợ Móng Cái, khu kinh tế mở Quảng Ninh, chợ Tân Thanh, Đồng Đăng- Lạng Sơn. Cùng đó là việc nhập lậu và vận chuyển trái phép gà, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc từ biên giới vào nội địa. Lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý hành chính nhưng rất khó chứng minh yếu tố nhập lậu qua biên giới để xử hình sự.
Ngoài khu vực cửa khẩu, tuyến biên giới biển cũng được nhiều đối tượng buôn lậu tận dụng triệt để, đặc biệt là các vùng biển Đông Bắc, bắc miền Trung và biên giới Tây Nam. Hàng xuất lậu chủ yếu gồm than, quặng các loại, xăng dầu, thuốc lá, mỹ phẩm. Hàng nhập lậu là pháo các loại, gia cầm, thực phẩm đông lạnh, động vật hoang dã, quặng titan, quặng sắt. Phương thức và thủ đoạn hoạt động mỗi ngày một tinh vi, với sự thay đổi liên tục địa điểm nhập, xuất hàng.
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục Quản lý thị trường đã xây dựng và đưa vào hoạt động đường dây nóng về an toàn thực phẩm của lực lượng Quản lý thị trường thông qua số điện thoại 1900585826. Đến nay, tổng đài đã nhận được 5.233 cuộc gọi đến và góp phần vào kết quả công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với các hành vi liên quan đến công tác an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, các Chi cục quản lý thị trường tại địa phương cũng đã duy trì có hiệu quả đường dây nóng từ lãnh đạo chi cục tới các đội và lực lượng phối hợp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ công tác trên từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố để sẵn sàng xử lý kịp thời các vụ việc nổi cộm, phức tạp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát tại các siêu thị, chợ đầu mối, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thanh Lam do thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày một tinh vi, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại thì lực lượng kiểm tra, kiểm soát thiếu về số lượng; kinh phí, phương tiện nghiệp vụ chưa đáp ứng. Nhiều địa phương có địa bàn kênh rạch chằng chịt, hoạt động buôn bán trên sông diễn ra sôi nổi nhưng lực lượng chức năng không có xuồng máy, ca-nô để kiểm tra, kiểm soát.... Cùng với đó, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo, sau thời gian áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ khó khăn cho các lực lượng khi thực thi nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng thừa nhận chính từ những nguyên do này mà công sức của các lực lượng chức năng bỏ ra vẫn chưa thu lại kết quả như mong đợi. Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở các đơn vị còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, còn thiếu kinh nghiệm thực tế trong nhận biết, phát hiện, khai thác, phân tích thông tin với hàng hóa vi phạm. Ngoài ra, hệ thống chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể; một số văn bản pháp luật cũ chưa được thay đổi, bổ sung cho phù hợp.
*Siết chặt quản lý Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng nên công tác chống buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ thêm khó khăn. Đặc biệt, thị trường ngày càng phát triển đa dạng, phức tạp; thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng tinh vi và bất chấp hơn trước. Do đó, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm đạt hiệu quả cao nhất rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và quần chúng nhân dân.
Để ổn định thị trường trong 6 tháng cuối năm, theo ông Đỗ Thanh Lam tới đây Cục sẽ tập trung kiểm tra sản xuất, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa. Cùng với đó, kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng như: Thuốc lá, rượu, gia súc gia cầm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; an toàn thực phẩm; sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng; kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm, công tác quản lý thị trường cần được thắt chặt hơn nữa. Nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tạo ra sự chuyển biến rõ nét, nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa, ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng…
Đặc biệt, đến hết quý III/2014, tại các tuyến và địa bàn trọng điểm phải có sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các nhóm mặt hàng phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, mũ bảo hiểm, thuốc lá điếu nhập lậu và gia cầm nhập lậu…
Thứ trưởng chỉ đạo Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị triển khai rà soát, đánh giá, phát hiện những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại, quản lý thị trường, xử lý vi phạm hành chính để tổng hợp kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện./.