Chồng chéo quy hoạch cảng tại Quy Nhơn - Bài 2: Lúng túng tìm phương án giải quyết

15:54' - 09/10/2018
BNEWS Cuối năm 2017 khi Tân cảng Quy Nhơn bắt đầu đổ xà bần, phế thải để san lấp 7 ha mặt nước đã thuê thì ngư dân mới bức xúc kiến nghị. Tỉnh Bình Định lại lúng túng trong việc xử lý sự chồng chéo này.

“Trước đây đã có sự chồng chéo trong quy hoạch diện tích mặt nước giữa cảng cá Quy Nhơn và Tân cảng Quy Nhơn. Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu Tân cảng Quy Nhơn tạm dừng dự án, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát lại quy hoạch, không để ảnh hưởng tới luồng lạch ra vào của tàu cá. Quan điểm của tỉnh là phải đảm bảo an toàn cho ngư dân khi ra vào thông thương buôn bán và tránh trú bão”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã khẳng định như vậy khi trả lời với phóng viên TTXVN.

* Nguy cơ hiện hữu

Cận cảnh khu vực luồng lạch, mặt nước bị Tân cảng Quy Nhơn đổ xà bần, phế thải để san lấp thành bãi container. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì cảng cá Quy Nhơn được phê duyệt là cảng cá loại I.

Thống kê của Ban quản lý cảng cá Bình Định cho thấy, mỗi năm cảng cá này tiếp nhận khoảng 12.000 lượt tàu thuyền, khối lượng hàng hóa các loại thông qua cảng hơn 140.000 tấn; trong đó, riêng thủy sản là 40.000 tấn. Giá trị hàng hóa thông qua cảng cá này trong năm 2017 ước tính khoảng 3.100 tỷ đồng/năm.

Đây cũng là cảng cá có luồng lạch sâu nhất trong số 3 cảng cá, bến cá của tỉnh Bình Định, thuận tiện trong việc tiếp nhận các tàu công suất lớn 600 CV, các tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, hiện nay diện tích mặt nước của cảng cá Quy Nhơn xấp xỉ 21 ha(tiêu chí cảng cá loại I phải có vùng nước cảng tối thiểu 20 ha trở lên, theo điều 78, mục 2, Luật Thủy sản). Tuy nhiên, nếu Tân cảng Quy Nhơn tiến hành san lấp 7 ha mặt nước để làm sân bãi theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt thì diện tích mặt nước còn lại của cảng cá Quy Nhơn chỉ còn xấp xỉ 14 ha.

Khi đó cảng cá Quy Nhơn sẽ bị “rớt hạng”, không còn những ưu đãi từ Trung ương, bị hạn chế kích cỡ và công suất tàu cá ra vào cảng, nhất là không đủ điều kiện đón tàu cá nước ngoài. Mặt khác, nếu Tân cảng Quy Nhơn tiến hành san lấp 7 ha mặt nước thì mặt nước luồng lạch ra vào trước cảng Quy Nhơn sẽ bị thu hẹp, chỉ còn rộng khoảng 100m. Như vậy, vị trí này sẽ tạo thành nút thắt cổ chai, dễ bị bồi lấp, khi các tàu cá neo đậu tại đây để lên cá thì các tàu khác khó có thể ra vào khu tránh trú bão.

Bình Định có nhiều tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ nên khó khăn khi vào khu neo đậu tránh trú bão sẽ gây nguy hiểm cho hàng nghìn tàu thuyền cùng ngư dân của tỉnh.

Trước bức xúc của dư luận, ông Phan Trọng Hổ cho biết, đối với tỉnh Bình Định thì cảng cá Quy Nhơn là cảng cá trọng điểm, các tàu có công suất lớn có thể vào buôn bán sản phẩm cũng như làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Hiện nay Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra lại việc quy hoạch san lấp 7 ha mặt nước của Tân cảng Quy Nhơn. Quan điểm của Sở Nông nghiệp là sẽ tính toán, đề xuất với Sở Xây dựng để đảm bảo luồng lạch cho tàu thuyền ra vào tránh trú bão và ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của ngư dân.

* Chờ đợi...

Dù vậy, đến cuối năm 2017 khi Tân cảng Quy Nhơn bắt đầu đổ xà bần, phế thải để san lấp 7 ha mặt nước đã thuê thì các ngư dân mới vỡ lẽ và bức xúc kiến nghị. Trong khi đó, tỉnh Bình Định lại tỏ ra lúng túng trong việc xử lý sự chồng chéo này.

Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2018, UBND tỉnh Bình Định liên tục chỉ đạo Tân cảng Quy Nhơn tạm dừng việc san lấp và tiếp đến lại tiếp tục cho san lấp rồi lại tạm dừng để kiểm tra, rà soát lại quy hoạch.

Cụ thể, ngày 9/3/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng ký công văn số 1017/UBND – KT yêu cầu Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn tạm dừng việc đổ đất đá, xà bần san lấp mặt nước để các sở, ngành liên quan rà soát lại quy hoạch.

Đến ngày 22/5/2018, trong Thông báo số 125/TB-UBND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng lại kết luận đồng ý cho Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch. Điều đáng nói là trong Thông báo này tiếp tục nhắc lại việc “đảm bảo luồng tàu cá ra vào tối thiểu 100m”.

Chẳng hiểu vì lý do gì, đến ngày 13/6/2018, UBND tỉnh Bình Định lại tiếp tục có văn bản số 3458/UBND-KT giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát lại quy hoạch dự án Tân cảng Quy Nhơn, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện trước ngày 25/6/2018.

Mặc dù đã nhiều tháng trôi qua, nhưng đến nay các sở, ngành và UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc.

Đề cập vấn đề này, ông Phạm Văn Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn cho biết: “Hiện nay Công ty đã cho tạm dừng triển khai dự án, chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định. Từ trước đến nay, chúng tôi sử dụng đất đúng với mục đích, diện tích và ranh giới được UBND tỉnh cho thuê và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước”./.

>>> Chồng chéo quy hoạch cảng tại Quy Nhơn - Bài 1: San lấp mặt nước, tàu thuyền neo đậu khó

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục