Kiến nghị thu hồi lại Cảng Quy Nhơn - Bài 2: Lý do đề nghị thu hồi phần vốn Nhà nước?

19:25' - 14/09/2018
BNEWS Việc tỉnh Bình Định nhất quyết kiến nghị thu hồi lại phần vốn nhà nước nắm quyền chi phối tại cảng Quy Nhơn đều nhận được sự đồng tình từ nhiều chuyên gia kinh tế và nguyên lãnh đạo tỉnh.

Cảng Quy Nhơn là một trong 9 cảng biển trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines (thuộc Bộ Giao thông Vận tải).

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Quy Nhơn. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Việc tỉnh Bình Định nhất quyết kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ thu hồi lại phần vốn nhà nước nắm quyền chi phối tại cảng Quy Nhơn đều nhận được sự đồng tình từ nhiều chuyên gia kinh tế và nguyên lãnh đạo tỉnh. Lý do tựu trung vì vị trí mang tầm chiến lược của cảng Quy Nhơn và cảng cần đầu tư mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực.
* Vị trí chiến lược trọng yếu
Tại các buổi làm việc với Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng từ ngày 3 – 4/7/2018 và với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 6/5/2018, ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khóa XIX (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã thay mặt Tỉnh ủy Bình Định đề nghị Trung ương thu hồi vốn chi phối cảng Quy Nhơn về lại cho nhà nước quản lý và giữ quyền điều hành cảng.
Theo ông Tùng, cảng Quy Nhơn có vị trí chiến lược của cả khu vực, là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định và một số tỉnh lân cận nên cần được nhà nước quản lý để có những quy hoạch, đầu tư phát triển phù hợp, đảm bảo việc giữ vững an ninh quốc phòng mang tầm chiến lược quốc gia.
Theo lịch sử, ngay sau khi người Pháp đặt chân lên dải đất hình chữ S vào năm 1858, thì đến đầu thập niên 1870, người Pháp đã chú trọng, quy hoạch cảng biển này. Cả trước khi hình thành cảng Quy Nhơn, đầm Thi Nại đã là một thương cảng sầm uất.
Năm 1876, người Pháp chính thức thông cửa Thị Nại. Từ năm 1882 - 1892, người Pháp đã đầu tư xây dựng hệ thống cầu cảng, kho bãi cho một cảng biển tương đối hoàn chỉnh và đặt phù tiêu hướng dẫn tàu thuyền vào cảng. Năm 1899, người Pháp xây dựng ngọn hải đăng trên đảo Cù Lao Xanh để hướng dẫn tàu thuyền vào cảng Quy Nhơn và vịnh Xuân Đài (tỉnh Phú Yên).
Việc cảng Quy Nhơn chính thức được thông thương vào năm 1876 đã mở ra một giai đoạn phát triển kinh tế, giao lưu buôn bán sầm uất của cư dân khu vực này với tàu thuyền của các nước Tây Âu, Đông Nam Á. Đến năm 1904, đã có đến hơn 24.300 tấn hàng hóa xuất, nhập thông qua cảng Quy Nhơn.
Nguyên Tổng giám đốc cảng Quy Nhơn ông Nguyễn Tín Dân kể: Trước năm 1975, cảng Quy Nhơn là một trong 3 cảng biển lớn của miền Nam.
Năm 1967, người Mỹ cải tạo mặt bằng đầm Thị Nại, xây dựng thêm một cảng quân sự với cầu tàu dài 300m và hệ thống trang thiết bị khá hiện đại. Từ đó, cảng Quy Nhơn là một thương cảng hoạt động nhộn nhịp. Năm 1969, lượng hàng hóa thông qua cảng đã lên tới hơn 291.000 tấn”. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Tô Tử Thanh khẳng định: “Cảng Quy Nhơn có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đối với địa chính trị cho cả khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, hạ Lào, Đông bắc Campuchia, thậm chí là cả Thái Lan.
Sau hiệp định Paris năm 1973, người Mỹ đã rút hết trang thiết bị tại cảng Quy Nhơn. Sau ngày đất nước hòan toàn giải phóng, Bộ Giao thông Vận tải và cảng Quy Nhơn đã chuyển đổi cảng Thị Nại (do Pháp xây dựng) làm cảng quân sự và lấy cảng Quy Nhơn (cảng quân sự của Mỹ xây dựng) làm thương cảng cho đến nay.
Vì vị trí chiến lược của cảng nên đa số nhân dân và lãnh đạo tỉnh Bình Định đồng tình đề nghị Chính phủ thu hồi số vốn nhà nước đã bán cho tư nhân, đưa cảng Quy Nhơn về cho nhà nước quản lý như trước đây. Tuy cảng Quy Nhơn không thuộc tỉnh Bình Định quản lý, nhưng nằm trên địa phận tỉnh Bình Định nên phải có những chiến lược, định hướng phát triển phù hợp với địa phương.
* Cảng Quy Nhơn sau cổ phần hóa
Tháng 9/2015, toàn bộ 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã được thoái hết vốn sau khi bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).


Một góc cảng Quy Nhơn. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Trong một thời gian khá dài sau khi Công ty Hợp Thành nắm quyền điều hành Cảng Quy Nhơn, những vấn đề về trật tự, khả năng điều hành và việc thu hút khách hàng của cảng đã từng là mối quan ngại lớn của lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (2010 – 2015) (cũng chính là người sốt sắng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (lúc đó) là ông Lê Hữu Lộc ký 2 văn bản và đích thân ông ký 1 văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải “hối thúc” sớm bán hết cổ phần nhà nước tại cảng Quy Nhơn) cũng cho rằng: " nhà đầu tư chiến lược Công ty Hợp Thành sau 3 năm vẫn chưa đầu tư mở rộng cảng Quy Nhơn để đáp ứng nhu cầu phát triển của cảng và kinh tế chung của tỉnh Bình Định”, và ông cũng đồng tình với kiến nghị thu hồi vốn nhà nước tại đây.
Tuy nhiên, về việc đầu tư mở rộng, nâng cấp cảng, ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc cảng Quy Nhơn khẳng định:

“Chúng tôi đã đầu tư vào cảng theo lộ trình, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ khách hàng tốt hơn trước nhiều lần. Thời gian giải phóng hàng rời còn 1/3 so với trước và thời gian xếp dỡ container giảm 1/2 so với trước. Cảng Quy Nhơn đã đưa vào vận hành 2 cầu trục container từ tháng 3/2018. Đây là bộ cần cẩu hiện đại của Nhật Bản, trên thị trường hiện có giá không dưới 250 tỷ đồng. Nhưng vì là khách hàng truyền thống và tiềm năng nên phía đối tác chuyển nhượng chỉ có 170 tỷ đồng. Có hệ thống cần cẩu này, khả năng xếp dỡ container của cảng Quy Nhơn đã ngang bằng với chuẩn quốc tế, từ 45 – 55 container/giờ; số lượng khách hàng hiện nay đã tăng hơn 30% so với trước. Về hệ thống cầu cảng chúng tôi chưa đầu tư xây dựng thêm là vì hiện tại, khả năng xếp dỡ của cảng đã được nâng cao lên gấp đôi. Do vậy, cầu cảng hiện tại cũng có khoảng thời gian trống nên chưa cần đầu tư xây dựng thêm”.
Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư cảng Quy Nhơn, ông Vũ Ngọc Thái dẫn số liệu: Trước cổ phần hóa giai đoạn từ năm 2010-2014 tổng mức đầu tư là 193,6 tỷ đồng, giai đoạn 2014 đến nay đạt 280 tỷ đồng. Trước cổ phần hóa tài sản tăng trung bình 48 tỷ đồng/năm, sau cổ phần hóa tăng 60 tỷ đồng/năm, tăng 26%. Tuy đây mới chỉ là số liệu được đưa ra từ phía cảng Quy Nhơn, song cũng là một trong những yếu tố tính đến trong quá trình thu hồi cổ phần để không ảnh hưởng đến hoạt động chung của Cảng, cũng như đảm bảo hài hòa trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan.

>>> Kiến nghị thu hồi lại Cảng Quy Nhơn - Bài 1: Vì sao thoái vốn "gấp rút"?
>>> Kiến nghị thu hồi lại cảng Quy Nhơn - Bài 3: Chưa thỏa thuận được việc thu hồi CP chi phối

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục