Chống gian lận ngành thép vẫn cần Thông tư 58

17:06' - 03/08/2017
BNEWS Dù các cơ quan nhà nước triển khai đơn giản hoá thủ tục hành chính nhưng vẫn cần thiết phải duy trì Thông tư 58 để quản lý chất lượng thép nhập khẩu, góp phần hạn chế gian lận thương mại.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường thép trong nước.

Song, theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình nhập khẩu các mặt hàng thép, gian lận thương mại trong nhập khẩu vẫn ở mức cao.

Do đó, dù các cơ quan nhà nước triển khai đơn giản hoá thủ tục hành chính nhưng vẫn cần thiết phải duy trì Thông tư 58 để quản lý chất lượng thép nhập khẩu, góp phần hạn chế gian lận thương mại trong việc kê khai thép nhập khẩu.

Chống gian lận ngành thép vẫn cần Thông tư 58. Ảnh minh họa: TTXVN

Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép trong nước và thép nhập khẩu được sửa đổi từ Thông tư liên tịch số 44 cũ, nhằm kiểm soát tình trạng gian lận thép nhập khẩu, kê khai thép hợp kim chứa Bo, Crom để hưởng thuế suất 0%, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Nhờ đó, lượng nhập khẩu thép hợp kim chứa Bo, Crom đã có hành lang pháp lý để kiểm soát chất lượng, đặc biệt việc nhập khẩu phôi thép chứa Bo, Crom đội lốt phôi thép hợp kim gian lận đã không còn xảy ra.

Hoạt động quản lý chất lượng thép nhập khẩu theo quy định của Thông tư mới này cũng đã đi vào nền nếp, ổn định.

Theo đánh giá của VSA, so với Thông tư 44 trước đó, Thông tư 58 đã được chỉnh sửa, nâng cấp, góp phần quản lý được các mặt hàng thép nhập khẩu, quản lý được các vấn đề cần quản lý và gỡ bỏ những nội dung không cần quản lý theo nguyên tắc: siết chặt quản lý nhập khẩu mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được và nới lòng nhập khẩu các mặt hàng thép trong nước chưa sản xuất được.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, cần thiết phải duy trì Thông tư 58 để quản lý chất lượng thép nhập khẩu, hỗ trợ cho ngành sản xuất này.

Lý giải vấn đề này, ông Dũng cho biết, tổng lượng thép Việt Nam nhập khẩu năm 2016 lên tới 23 triệu tấn.

Thép là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 5 trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất năm 2016.

Với lượng và giá trị nhập khẩu lớn, thép nhập khẩu gây ảnh hưởng lớn đến cán cân xuất nhập khẩu. Vì vậy, thép vẫn là mặt hàng cần thiết được nhà nước quản lý chặt chẽ.

Cùng với đó, thép xây dựng thông thường có nguồn gốc từ Trung Quốc đội lốt thép hợp kim nhằm hưởng thuế 0% gây nên tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa nhà sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu thép; không bình đẳng giữa thép nhập khẩu tại các thị trường khác nhau.

Trong khi đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thép của thế giới và Việt Nam không giải quyết được tình trạng gian lận thương mại, kê khai sang thép hợp kim để hưởng thuế suất 0%.

Theo ông Trần Ngọc Chu, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, gần đây, thép Trung Quốc đang bị nhiều nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng nhanh trong khi lượng thép xuất khẩu từ Việt Nam cũng gia tăng mạnh.

Vì vậy, nhiều nước nghi ngờ có hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Đó cũng là một nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam phải gánh chịu nhiều ức ép và thiệt hại vì phải liên tiếp chống đỡ với các vụ kiện về chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, chống trợ cấp và tự vệ thương mại tại các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Australia, Hoa Kỳ...

Điều đáng lo ngại là các biện pháp trên ngày càng được các nước sử dụng nhiều và hữu hiệu đáng kể trong việc ngăn chặn thép từ Việt Nam.

Từ cuối năm 2016, Việt Nam cũng đã bắt đầu sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại song vẫn là điều mới mẻ đối với đa số doanh nghiệp Việt, kinh nghiệm về phòng vệ thương mại của cả doanh nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế so với các nước khác, đặc biệt là các nước có thị trường phát triển như Australia, Hoa Kỳ...

Điều này dẫn đến hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại mang lại chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam.

Do vậy, Việt Nam cần thiết có và duy trì hệ thống kiểm định chất lượng thép nói chung và nhất là thép nhập khẩu vào Việt Nam. Qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng việc quản lý chất lượng thép, tạo môi trường lành mạnh để doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam có điều kiện phát triển.

Ông Trần Ngọc Chu cho rằng, các thủ tục trong thông tư liên tịch 58 cần duy trì để kiểm soát chất lượng thép, đặc biệt là thép nhập khẩu mà trong nước có thể sản xuất được.

Tuy nhiên, với các sản phẩm mà thép trong nước chưa sản xuất được thì có thể đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đơn cử như thép cán nóng không hợp kim, thép cán nguội không hợp kim...

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong nhập khẩu là cần thiết, nhưng nếu vì đơn giản mà huỷ bỏ Thông tư 58 thì sẽ tác động rất nghiêm trọng tới công tác quản lý chất lượng thép trong nước và thép nhập khẩu.

Ông Dũng cũng kiến nghị cần duy trì Thông tư 58 nhưng tiếp tục rà soát, cập nhật sửa đổi các Phụ lục của Thông tư này theo hướng mặt hàng trong nước đã sản xuất được hoặc chưa sản xuất được nhưng có gian lận trong kê khai nhập khẩu thì cần quản lý thật chặt. Còn mặt hàng chưa sản xuất được thì có thể nới lỏng các thủ tục cho doanh nghiệp...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục