Ngành thép thu hút nhà đầu tư nhờ tạo biên lợi nhuận

19:26' - 12/06/2017
BNEWS Trong quý II/2017, ngành thép tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi sản phẩm tôn mạ được áp thuế tự vệ chính thức.
Ngành thép thu hút nhà đầu tư nhờ tạo biên lợi nhuận. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên - TTXVN

Đây là thông tin được cho biết tại hội thảo “Đối thoại ngành thép: Triển vọng 2017- 2020", do Quỹ đầu tư Dragon Capital, Công ty cổ phần Thép Nam Kim, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc) và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12/6.

Theo VSA dự báo, trong 5 năm tới, ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức từ 12% - 15%. Năm 2017, dự kiến sản lượng gang tăng 80%, đạt 4,5 triệu tấn; phôi thép tăng 47,2% (11,5 triệu tấn); thép thành phẩm tăng 12% (20 triệu tấn); thép xây dựng tăng 11%; thép lá cuộn cán nguội tăng 13%; thép ống hàn tăng 15%; tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%.

Theo ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc VietinbankSC, ngành thép Việt Nam tuy có quy mô không lớn, nhưng vẫn có lợi thế cạnh tranh riêng, đặc biệt là chi phí sản xuất rất cạnh tranh so với các nước khác.

Ngoài ra, tại Việt Nam, dư địa phát triển ngành thép vẫn còn rất lớn do nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở các tỉnh, thành phố lớn cũng như tốc độ đô thị hoá phát triển nhanh tại các vùng nông thôn.

Đặc biệt, từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường bất động sản ấm lên, cùng với sự gia tăng các dự án xây dựng hạ tầng là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của ngành thép.

Cụ thể, năm 2016, nhờ giá thép thế giới phục hồi mạnh và Chính phủ áp thuế tự vệ tạm thời, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến một năm bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép.

Tính trung bình, các doanh nghiệp trong ngành đã tăng trưởng doanh thu 14,34% và lợi nhuận 81,65%, giúp giá cổ phiếu chung tăng trưởng 91%.

Để phát triển ngành thép cũng như tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho rằng, các doanh nghiệp phải tập trung hơn nữa cho các vấn đề mở rộng, khai thác điểm khuyết trong chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành thông qua cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất.

Đơn cử, nếu doanh nghiệp làm ống thép nên có chiến lược đầu tư sản xuất được thép cuộn cán nóng (HRC) hay các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép, tôn mạ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim cho rằng, doanh nghiệp ngành thép cần tăng cường đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình khép kín.

Từ đó, doanh nghiệp từng bước giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu.

"Các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực, đang tạo ra điều kiện thuận lợi cho ngành thép Việt Nam tại thị trường xuất khẩu, trong bối cảnh các nước phòng vệ thương mại đối với hàng Trung Quốc và Ấn Độ.

Còn ở thị trường nội địa, doanh nghiệp cũng đang có lợi thế cạnh tranh ở nhiều ngành hàng nhờ chính sách chống bán phá giá tôn mạ kẽm, tôn mạ lạnh; tự vệ thương mại tôn mạ màu...", ông Phạm Mạnh Hùng cho biết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục