Chống hàng giả, hàng nhái - Bài 2: Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng tham gia

15:04' - 17/11/2017
BNEWS Hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại ngày càng “phủ sóng” ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề với các thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý.

Tiêu diệt nạn hàng giả, hàng nhái là một cuộc chiến cam go, đòi hỏi nỗ lực của tất cả mọi thành phần, trong đó người tiêu dùng và doanh nghiệp cần quyết liệt vào cuộc để bảo vệ chính mình.

Lô tang vật giày bị thu giữ tại Chi cục QLTT Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Theo ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389, chưa bao giờ việc chống hàng giả được quan tâm như hiện nay, ngoài Ban Chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh, các địa phương như Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã có ban chỉ đạo đến cấp quận, huyện.

Văn phòng Ban Chỉ đạo sẽ tham mưu cho Chính phủ xác định trách nhiệm chính trị đới với người đứng đầu địa phương, bộ ngành trong ngăn chặn buôn bán, sản xuất hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có đường dây nóng, bất cứ lúc nào phát hiện hàng giả người dân, doanh nghiệp hãy thông tin để phối hợp xử lý. Để chống hàng giả, các doanh nghiệp cần thông qua tuyên truyền để hướng người tiêu dùng nhận biết hàng hóa do doanh nghiệp mình sản xuất, phân phối.

Riêng với thời điểm cuối năm này, Văn phòng Ban Chỉ đạo sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thành lập các đoàn kiểm tra chống hàng giả ở các bộ ngành, địa phương để đảm bảo sản xuất, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhưng để chống hàng giả cần cả xã hội chung tay vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn.

Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc công ty Luật TNHH Luật sư Riêng (Đoàn Luật sư Tp.Hồ chí Minh) cho rằng, hiện nay chế tài xử phạt vi phạm hành chính rõ ràng chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, tiền phạt còn quá ít so với hậu quả mà họ đã gây ra cho xã hội.

Vì thế cần tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm hành chính hơn nữa, để họ thấy rằng nếu làm ăn phi pháp nếu bị phát hiện, thì khoản lợi bất chính không đủ để nộp phạt. Mặc dù, quy định đang có chế tài phạt bổ sung, khắc phục hậu quả thế nhưng khó để xác định khoản “số lợi bất chính” để buộc họ phải nộp lại vì phần lớn hành vi này đã diễn ra thời gian dài trước khi bị phát hiện.

Bộ luật Hình sự cũng có những quy định những tội danh có liên quan, thế nhưng một số điều luật vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể để áp dụng, dẫn đến việc có quy định nhưng lại khó xác định trong xử phạt gây khó khăn xử lý.

Bên cạnh đó là hình phạt tù nhẹ dẫn đến chưa thật sự răn đe cho những người phạm tội. Đặc biệt là các hành vi vi phạm có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người thì hình phạt chưa tương xứng. Vì thế cần hoàn thiện thêm về tội danh, hướng dẫn cụ thể để các quy định sớm đi vào thực tiễn.

Theo ông Phạm Xuân Huy, Giám đốc Công ty cổ phần điện tử kinh tế Việt Nam – Vinagroups, hàng hóa đi theo một chuỗi từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Do vậy,muốn ngăn chặn nạn hàng giả cần phải quan tâm đến những vấn đề như bảo hộ thương hiệu, khâu phân phối sản phẩm; trong đó, phân phối qua kênh online, trên các sản thương mại điện tử, mạng xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề. Tùy vào chức năng ở khâu nào mà có những xử lý kịp thời ở khâu đó.

Bên cạnh đó cần phải quan tâm đến khâu luật quảng cáo trên online bởi hiện nay hầu như việc quản lý này đang bị bỏ lỏng. Ở khâu bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có những chính sách khuyến khích người tiêu dùng đưa hàng giả ra ánh sáng, xử lý mạnh tay và quyết liệt vi phạm.

Các chuyên gia cho rằng, qua các vụ án bị phát hiện cho thấy kiến thức tiêu dùng của người dân còn hạn chế, một số ít đam mê hàng hiệu, hàng ngoại nhập mà không biết đến chất lượng và giá trị sử dụng.

Người dân vẫn còn tâm lý tiêu dùng theo số đông, theo người nổi tiếng, để rồi khi các đơn vị cung cấp bị phát hiện là làm ăn phi pháp thì mới “té ngửa” ra mình bị lừa. Một số người sống không đúng với khả năng tài chính và vị trí của mình, nhưng vì đua đòi và muốn chứng tỏ mà họ đã sử dụng hàng giải hàng nhái.

Do đó, liên quan đến việc tiêu dùng, đặc biệt là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, người tiêu dùng cần dành thời gian trong việc kiểm tra các sản phẩm mà mình định mua.

Hơn nữa, cần tạo thói quen yêu cầu các đơn vị cung cấp sản phẩm cung cấp các giấy tờ hợp lệ trước khi mua hàng, để từ đó giúp hạn chế được việc mất tiền oan. Không ai có thể bảo vệ cho chúng ta tốt hơn việc chúng ta tự trang bị kiến thức tiêu dùng cho chính mình.

Để xử lý hàng giả, hàng nhái, theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch Câu lạc bộ kết nối doanh nhân Sài Gòn – Asean, vai trò của doanh nghiệp – chủ quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng. Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã quy định, đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác phối hợp và hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.

Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật.

Không ít doanh nghiệp e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả nên khi được mời đến cơ quan chức năng để phối hợp xử lý thì từ chối. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại lên Cục sở hữu trí tuệ.

Đối với người tiêu dùng cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của mình mà còn góp phần chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục