Chống hàng giả là ưu tiên hàng đầu của Tổng cục Quản lý thị trường

17:36' - 24/09/2019
BNEWS Chống hàng giả là nhiệm vụ chính, là ưu tiên hàng đầu của Tổng cục Quản lý thị trường.
Quang cảnh lễ ký kết. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Chống hàng giả là nhiệm vụ chính, là ưu tiên hàng đầu của Tổng cục Quản lý thị trường. Thông tin này được ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định tại Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Hà Nội (HATAP) chiều 24/9, tại Hà Nội.

Đây là thoả thuận hợp tác thứ hai Tổng cục Quản lý thị trường ký kết với đơn vị là các Hiệp hội trong vòng 1 tuần qua với mục đích nối dài cánh tay cùng lực lượng quản lý thị trường đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng Việt Nam.

Mục tiêu chính của thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mặt khác, tuyên truyền, phổ biến góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, chống hàng giả là cả một câu chuyện dài muôn thuở. Hơn nữa, hàng giả hiện nay đã trở thành vấn nạn, từ chính sách, từ ý thức của người dân đến ý thức của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, trong thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã có nhiều kế hoạch liên quan đến việc chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Không những thế, nhiều vụ việc triển khai và bước đầu đã mang lại thành công, điển hình như vụ lực lượng quản lý thị trường đã bắt giữ tận xưởng đơn vị làm giả mặt hàng thời trang The North Face – một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Mỹ.

Ông Triệu Quang Thìn Chủ tịch HATAP (giữa). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, để đẩy lùi nạn hàng giả đầu tiên cần tập trung vào thể chế, chế tài; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động bởi hàng giả hiện nay ở cả hai chiều cung và cầu; tạo ra cơ sở thông tin tốt từ cơ sở báo tin, thông tin tuyên truyền, tổ chức hệ thống thông tin.

Cùng với đó, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cũng cho rằng, doanh nghiệp nên là đối tượng chủ động trong việc công khai các mặt hàng bị làm giả của đơn vị mình với các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp tin tưởng, cơ quan chức năng phải tạo ra cơ sở để doanh nghiệp đặt niềm tin, đến và chia sẻ, cùng phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn, bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở mặt hình thức, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh mong muốn nội dung ký kết sẽ được hiện thực hoá bằng những hoạt động cụ thể và thiết thực.

Cùng đó, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề xuất tới đây hai đơn vị có thể thiết lập Trung tâm Tư vấn giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp để có thể hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp khi cần.

Lễ ký thoả thuận giữa hai đơn vị thành công tốt đẹp. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Thể hiện sự nhất trí và khẳng định tại lễ ký kết, ông Triệu Quang Thìn, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Hà Nội cam kết ngay sau lễ ký, HATAP sẽ lên chương trình, kế hoạch chi tiết nhằm cụ thể hoá các mục tiêu theo nội dung bản thoả thuận để mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình thực thi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục