Chốt thời gian ký hợp đồng tín dụng dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

17:21' - 22/12/2021
BNEWS Tổ chức tín dụng cho vay dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Nha Trang – Cam Lâm là Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank).

Liên quan đến việc thu xếp tín dụng của dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Nha Trang – Cam Lâm theo hình thức PPP (hợp tác công tư), trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 22/12, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, do thời gian qua việc thu xếp vốn tín dụng cho các dự án PPP rất khó khăn, hiện nhà đầu tư với ngân hàng cho vay đang đàm phán ký kết hợp đồng, dự kiến xong trong tháng 12 này.

Về tiến độ dự án trên công trường, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho hay, mặc dù khó khăn trong thu xếp vốn tín dụng của dự án nhưng trong thời gian qua, nhà đầu tư của dự án (Tập đoàn Sơn Hải) đã huy động vốn của doanh nghiệp để triển khai. Đến nay, sản lượng trên công trường đạt được khoảng 650 tỷ đồng.

Cũng theo đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, do chưa ký được hợp đồng tín dụng cho dự án, vì vậy dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm chưa thể giải ngân phần vốn hỗ trợ của nhà nước (VGF) cho dự án, dự kiến Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu giải ngân phần vốn này trong tháng 1/2022 và phấn đấu sẽ giải ngân hết phần vốn đã bố trí cho dự án.

Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, tổ chức tín dụng cho vay dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Nha Trang – Cam Lâm là Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank).

Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ ký hợp đồng tín dụng cho dự án này theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ giữa tháng 7 vừa qua. Dịch COVID-19 đã làm quá trình thẩm định dự án của phía ngân hàng bị chậm lại.

Trước đó, liên quan đến dự án này, TTXVN đã đưa tin về việc Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có công văn gửi Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) và Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) về việc huy động nguồn vốn thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Nha Trang - Cam Lâm theo phương thức PPP (hợp tác công tư).

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương đàm phán hợp đồng tín dụng với các tổ chức ngân hàng. Hoặc, có phương án huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án theo đúng quy định hợp đồng.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý vi phạm hợp đồng trong trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không huy động đủ và đúng hạn nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án”, công văn của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tăng cường đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đàm phán hợp đồng tín dụng với các tổ chức ngân hàng. Hoặc, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án.

Cùng đó, tổng hợp, kịp thời báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động nguồn vốn thực hiện dự án.

Vào ngày 6/5/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã cùng Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã ký kết hợp đồng BOT dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Dự án được thực hiện tại Khánh Hòa, dài khoảng 50km với điểm đầu tại km5+783, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại km54 thuộc xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).

Trong giai đoạn đầu, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đầu tư 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Đoạn cao tốc này có 1 hầm đường xuyên núi Dốc Sạn dài khoảng 700m với 2 ống hầm và một số cầu lớn.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng gồm nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 20%), nguồn vốn nhà nước khoảng 2.967 tỷ đồng.

Thời gian xây dựng dự án 2 năm, vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng. Theo quy định, sau khi ký hợp đồng BOT, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải có 6 tháng để ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng để triển khai thi công dự án.

Như vậy, căn cứ vào thời gian ký kết hợp đồng giữa Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư, đến thời điểm này, dự án đã bị trễ 16 ngày trong việc ký kết hợp đồng tín dụng (thời hạn 6/5/2021-6/11/2021).

Trường hợp nhà đầu tư không ký kết được hợp đồng vay vốn đáp ứng yêu cầu về mức vốn vay, điều kiện giải ngân theo quy định để giải ngân vốn cho dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Trao đổi với một chuyên gia pháp lý, vị chuyên gia này cho biết, trong trường hợp bất khả kháng như dịch COVID-19 thì nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có thể đàm phán để gia hạn thời gian tìm kiếm tổ chức tín dụng cho vay vốn.

Như vậy, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 2016-2020 là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đến thời điểm này, mới chỉ có Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã hoàn thành việc huy động vốn để thực hiện dự án nhờ đa dạng nguồn vốn, không phụ thuộc hoàn toàn vào tín dụng.

Còn lại dự án thành cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt cũng đang gặp khó khăn như đoạn Nha Trang - Cam Lâm như đã đề cập ở trên…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục