Nhà thầu thi công yếu kém tại cao tốc Cam Lộ-La Sơn sẽ bị cắt chuyển khối lượng

14:52' - 22/12/2021
BNEWS Tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhà thầu năng lực còn hạn chế, nếu đã được cảnh báo, nhắc nhở mà không có sự chuyển biến tích cực sẽ cắt chuyển khối lượng giao nhà thầu khác đủ năng lực thi công.
Liên quan đến một số nhà thầu thi công yếu kém tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn, ngày 22/12, trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, qua thực tế thời gian vừa qua đơn vị đã xác định được nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án; trong đó có dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn bên cạnh những khó khăn do nguyên nhân khách quan thì có một phần nguyên nhân chủ quan là năng lực của một vài nhà thầu còn hạn chế.

"Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Ban Quản lý dư án đường Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các chủ thể tham gia dự án rà soát, lập lại tiến độ điều chỉnh với các mốc tiến độ khống chế cho các hạng mục thi công chính, đặc biệt là khống chế thời gian hoàn thành gói thầu. Để từ đó có cơ sở yêu cầu nhà thầu tăng cường thiết bị, nhân lực, tài chính vào dự án; tăng ca, tăng kíp, thay đổi biện pháp thi công để đẩy nhanh tiến độ trên công trường", đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án này cho hay.

Về biện pháp xử lý đối với các nhà thầu yếu kém, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thông tin, đối với những nhà thầu năng lực còn hạn chế, nếu đã được cảnh báo, nhắc nhở mà không có sự chuyển biến tích cực, đơn vị sẽ cắt chuyển khối lượng giao nhà thầu khác có đủ năng lực để triển khai thi công, không vì bất cứ lý do gì để cho gói thầu, dự án tiếp tục chậm tiến độ nữa.

"Thực tế thời gian vừa qua chúng tôi đã cắt chuyển khối lượng một nhà thầu và thay chỉ huy trưởng của một vài nhà thầu khác. Trong năm 2022, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sẽ làm quyết liệt hơn, thậm chí sử dụng chế tài thưởng, phạt theo quy định của hợp đồng đối với các nhà thầu để qua đó đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn về đích đúng yêu cầu là quý  III/2022", đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẳng định. 

Trước đó, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đã có văn bản báo cáo Bộ để chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh xử lý nghiêm khắc các nhà thầu thi công yếu kém tại dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng giao thông cho hay, tiến độ thực hiện dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang triển khai chậm so với kế hoạch. Cụ thể, sau hơn 2 năm triển khai thi công (từ 16/9/2019) dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2022, nhưng giá trị sản lượng của toàn dự án đến nay mới đạt khoảng 70,2%, chậm 8,8% so với tiến độ theo hợp đồng.

Ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của mưa lũ lịch sử năm 2020, tác động của đại dịch COVID-19 và việc bàn giao mặt bằng, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng giao thông chỉ rõ tiến độ dự án chậm còn xuất phát từ năng lực của một số nhà thầu.

Do tiến độ thi công bị chậm nên kế hoạch hoàn thành 11 gói thầu xây lắp của cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã phải lùi lại. Trong đó, 6 gói thầu  (XL1, XL2, XL3, XL4,  XL10 và XL11) dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30/6/2022; gói XL5 hoàn thành vào ngày 30/7/2022; 2 gói (XL6, XL9) hoàn thành vào ngày 30/8/2022; riêng 2 gói (XL7, XL8 do chờ xử lý đất yếu) hoàn thành vào ngày 31/10/2022; chậm từ 3 - 6 tháng so với kế hoạch đề ra.

Để chấn chỉnh tiến độ thi công, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng giao thông đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh theo dõi đặc biệt đối với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam (gói thầu XL2) trong tháng 1/2022 nếu không chuyển biến tích cực phải thực hiện điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác thực hiện.

Đặc biệt, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng giao thông kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh điều chuyển toàn bộ khối lượng còn lại của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên (gói thầu XL3) cho nhà thầu khác thực hiện.

Ngoài ra, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng giao thông đề nghị Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chỉ đạo nhà thầu gói thầu XL5 và XL6 phối hợp chặt chẽ với địa phương đẩy nhanh thủ tục mở rộng mỏ đất đắp đồi Vũng Nhựa, sớm cấp phép đưa vào khai thác diện tích phần mở rộng mỏ Hiền Sỹ để cung cấp đất đắp cho dự án.

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị (dài hơn 37 km) và Thừa Thiên - Huế (trên 61 km). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục