Chủ động phòng vệ trước các bất ổn thương mại

11:17' - 17/05/2018
BNEWS Nếu thực sự xảy ra “cuộc đụng độ thương mại” giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, với Việt Nam, các ảnh hưởng này có thể là rất đáng kể.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam

Trong những ngày qua, dấy lên quan ngại trên toàn cầu về nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Nhất là sau khi Chính phủ Donald Trump tuyên bố tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng như thép và nhôm. Động thái này được giới nghiên cứu cho rằng có thể gây những tác động lan tỏa tới rất nhiều quốc gia xuất khẩu; trong đó, có Việt Nam.

BNEWS đã phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC quốc tế (ABAC) để nắm bắt tình hình, diễn biến tâm lý của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đồng thời đánh giá khả năng thích ứng của các doanh nghiệp nếu tình huống xấu có thể xảy ra, cũng như đưa ra những khuyến nghị cần thiết để củng cố niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.

BNEWS: Thưa ông, ông có thể tiên lượng những tác động tới các ngành sản xuất nói chung và của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói riêng nếu xảy ra chiến tranh thương mại giữa một số quốc gia; trong đó phải kể tới Mỹ, Trung Quốc?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi cho rằng không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều đang nín thở theo dõi các diễn biến trong căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu thực sự xảy ra “cuộc đụng độ thương mại” giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, thương mại quốc tế của các nước chắc chắn đều sẽ bị ảnh hưởng bất lợi ở các mức độ khác nhau. Với riêng Việt Nam, các ảnh hưởng này có thể là rất đáng kể bởi nền kinh tế của chúng ta có liên kết cao với cả 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là nước xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam. Nếu chiến tranh thương mại xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ, hệ quả trực tiếp là luồng thương mại lớn từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ bị chuyển hướng, bắt buộc phải “rẽ” sang các thị trường khác. Là một thị trường láng giềng, với rất nhiều con đường tiếp cận thuận lợi cả đường biển, đường bộ, Việt Nam rất có thể là một trong những đích đến của dòng chảy này. Cạnh tranh trên thị trường nội địa của Việt Nam có thể vì thế mà phức tạp và khó lường hơn.

Về phía thị trường Hoa Kỳ, mặc dù việc hàng hóa Trung Quốc bị chặn ở đây có thể là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu từ các nước khác. Tuy nhiên đây cũng có thể lợi bất cập hại, khi mà kinh nghiệm quá khứ cho thấy mỗi khi ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc, ví dụ bằng các công cụ kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp, Mỹ thường đồng thời áp dụng luôn các biện pháp “ngăn chặn” với cả các hàng hóa tương tự từ các nước khác, ví dụ “kiện chùm” hoặc kiện “chống lẩn tránh”. Hơn nữa, những nước có thặng dư thương mại với Mỹ rất có thể bị rơi vào tầm ngắm của các biện pháp bảo hộ khác nhau. Với vị thế là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, mọi biến động ở thị trường Mỹ, mọi biện pháp thương mại mà nước này thực hiện cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam.

Đó là chưa kể tới những tác động gián tiếp từ sự dịch chuyển đầu tư, từ những biến động tỷ giá và những vấn đề khác phát sinh từ các biện pháp bảo hộ cũng như trả đũa từ hai thị trường này. Nói là hệ quả gián tiếp, nhưng tác động tới thương mại toàn cầu và thương mại quốc tế của Việt Nam cũng sẽ rất đáng kể.

Như một báo cáo mới đây được Ngân hàng Phát triển châu Á công bố cho thấy, Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng nếu gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là nhóm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tác động có thể trực tiếp.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, dưới tác động của sự chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc và làn sóng hàng Trung Quốc, rất có thể các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tiêu thụ ở trong nước cũng sẽ gián tiếp bị ảnh hưởng không nhỏ từ “cuộc chiến” này do các mặt hàng Trung Quốc tràn vào nhiều hơn.

BNEWS: Ông đánh giá thế nào về khả năng thích ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam?

Ông Vũ Tiến Lộc: Hiện tại cả phía Mỹ và Trung Quốc vẫn đang “dền dứ”, thách thức lẫn nhau. Chúng ta đều mong cuộc chiến này không xảy ra. Song tâm lý bất an trong các doanh nghiệp là đã hiện hữu. Chúng ta không ai chắc được diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào, vì vậy cũng khó có thể nói doanh nghiệp của chúng ta sẽ thích ứng ra sao với các diễn biến này.

Nếu lạc quan mà nhìn nhận thì trong suốt 30 năm hội nhập vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện khả năng thích ứng khá tốt với những biến động trong thương mại thế giới và đã đạt được những kết quả hội nhập dù chưa thật như mong đợi nhưng cũng rất đáng kể, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà.

Mặc dù vậy, bối cảnh thương mại hiện nay đã rất khác, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên “siêu kết nối”, sự liên kết, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trên thế giới lớn hơn bao giờ hết, tự do hóa thương mại, cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số giúp thế giới gắn bó chặt chẽ hơn nhưng cũng dễ bị tổn thương hơn. Bối cảnh ấy khiến cho khả năng thích nghi của quá khứ không hẳn sẽ đáp ứng được yêu cầu của tương lai.

Chúng ta cũng không quên rằng tiềm lực của đa phần các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế; từ 98-99% doanh nghiệp là quy mô nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ; trình độ công nghệ, năng lực quản trị còn yếu so với chuẩn mực quốc tế. Năng lực điều chỉnh và thích nghi của doanh nghiệp vì vậy cũng sẽ bị ảnh hưởng.

BNEWS: Đặt giả thiết nếu xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, thì để thích ứng với những thách thức đặt ra, ông có gợi ý gì với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trước những tác động khách quan, thậm chí có thể nói là bất khả kháng như nêu trên, tôi cho là chủ động vẫn luôn là giải pháp phòng vệ tốt nhất. Cụ thể, để thích ứng được với tình huống xấu nhất thì các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình; tích cực nghiên cứu các giải pháp thay thế, đối phó khi cần thiết; cần xây dựng ngay các phương án dự phòng và kể cả việc chủ động trích lập nguồn quỹ để bù đắp rủi ro… và về dài hạn, đa dạng hóa thị trường để phân tán rủi ro luôn là một chiến lược rất cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần tích cực nâng cao trình độ quản trị, công nghệ và trách nhiệm xã hội như là ba trụ cột của mô hình kinh doanh bền vững. Cần thực hiện các biện pháp cải thiện năng lực cạnh tranh từ nhiều góc độ nâng cao: chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, thương hiệu, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm cộng đồng…. Suy cho cùng thì năng lực cạnh tranh tốt vẫn là yếu tố nền tảng để doanh nghiệp có thể trụ vững và linh hoạt vượt qua các tình huống không mong muốn.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục