Chủ động sản xuất máy oxy dòng cao phòng, chống dịch COVID-19

19:41' - 02/07/2021
BNEWS Máy oxy dòng cao BKVM-HF1 được đo lường tại phòng thử nghiệm của VMED Group, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bởi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ngày 2/7, tại Hà Nội, máy oxy dòng cao BKVM-HF1 - sản phẩm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group hợp tác triển khai đã chính thức ra mắt, phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Máy oxy dòng cao BKVM-HF1 được đo lường tại phòng thử nghiệm của VMED Group, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bởi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, giám định kỹ thuật từ Công ty trách nhiệm hữu hạn kiểm định và chứng nhận Việt Nam Vinacontrol, thử nghiệm tại Trung tâm cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai và được Bộ Y tế quyết định lưu hành vào giữa tháng 6/2021.

Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60l/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37 độ C với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá: Trong đợt dịch COVID-19, máy oxy dòng cao có vai trò vô cùng quan trọng với nhóm bệnh nhân nặng, giúp bênh nhân đảm bảo hô hấp trong quá trình bệnh tiến triển.

Rất nhiều bệnh nhân nhờ sự trợ giúp của phương tiện thở không xâm nhập này đã tránh được can thiệp xâm nhập như đặt nội khí quản, giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng.

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cho biết: Sau khởi đầu này, nhà trường sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ, nghiên cứu, sáng tạo ra các máy HF2, HF3… để góp sức giúp ngành y, giúp các bệnh nhân chống lại đại dịch COVID-19.

Các dòng sản phẩm được sáng tạo bởi nhà khoa học Việt Nam, được sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam, trước hết phục vụ người dân Việt Nam nhưng cũng mong sẽ đến ngày vươn đến các thị trường khác.

Vào giai đoạn 1 của dự án, 30 máy BKVM-HF1 đầu tiên đã được Tổng Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp Dầu khí PETROSETCO thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, trị giá 1,5 tỷ đồng.

Vào giai đoạn 2 của dự án, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group xây dựng phương án triển khai sản xuất số lượng lớn, đồng bộ với các hệ thống khác trong bệnh viện để nâng cao hiệu quả cứu chữa bệnh nhân.

Vận hành máy oxy dòng cao luôn cần nguồn cấp khí và oxy y tế. Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Vũ Đình Tiến chế tạo hệ thống khí y tế theo TCVN 8022-1:2009 có thể dùng cho 10 máy oxy dòng cao cùng lúc.

Nhóm đã chế tạo thành công máy oxy y tế lưu lượng 60l/phút có độ tinh khiết đến 93% oxy, có thể phục vụ linh hoạt cho tuyến y tế cơ sở.

Hiện tại nhóm nghiên cứu của hai bên đang tiếp tục hoàn thiện máy làm giàu oxy từ không khí để tích hợp thêm vào hệ thống và nâng cấp tính năng cao cho các máy BKVM được sản xuất tiếp theo. Giải pháp này đặc biệt cần thiết cho các bệnh viện dã chiến.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hoan nghênh và đánh giá cao kết quả nghiên cứu này. Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục