Chủ động ứng phó trước dự báo khó khăn của ngành nông nghiệp

15:50' - 27/06/2023
BNEWS Dự báo từ này đến cuối năm, tình hình sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Cà Mau tiếp tục chịu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng; sạt lở bờ sông, ven biển diễn biến phức tạp.

Cùng với đó là giá vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản) tiếp tục ở mức cao. Việc phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm, chưa đi vào chiều sâu, liên kết giữa các chủ thể tham gia thiếu bền vững… sẽ tác động và làm giảm hiệu quả sản xuất.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, chỉ tính riêng ngành hàng tôm, ngành hàng chủ lực số một của tỉnh Cà Mau thì từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu liên tục giảm trong khi giá chi phí con giống, thức ăn tăng cao khiến người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận tại thị trường Cà Mau, hiện giá tôm sú nguyên liệu giảm từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Trong khi đó, giá các loại tôm khác như: tôm thẻ nguyên liệu loại 40 con/kg có giá 150.000 - 160.000 đồng/kg thì hiện tại thương lái chỉ thu mua với giá 95.000 - 98.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg có giá từ 65.000 - 78.000 đồng, giảm gần 40% so với cách đây hai tháng.

Liên quan đến tình hình xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của địa phương đang gặp nhiều khó khăn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Công Khanh cho biết rất đáng quan ngại khi giá trị xuất khẩu giảm sâu. Theo đó, so cùng kỳ năm 2022, đến nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 565 triệu USD, bằng 43,5% kế hoạch, giảm 22,9%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 502 triệu USD, bằng 41,8% kế hoạch, giảm 13,4%; kim ngạch xuất khẩu phân bón ước đạt 60 triệu USD, bằng 63,2% kế hoạch, giảm 60,8%.

Tình hình lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu vẫn đang ở mức cao, sức tiêu thụ hàng hoá giảm, các nhà phân phối hạn chế nhập khẩu dẫn đến các đơn hàng sụt giảm; các doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất. Các thị trường xuất khẩu chủ lực đều giảm, như: xuất khẩu sang Mỹ giảm 56,6%, EU giảm 19,3%, Nhật Bản giảm 47,7%, Australia giảm 56,8%...

Đồng thời, do chi phí sản xuất tôm của Việt Nam cao hơn các nước như Ấn Độ, Ecuador... nên doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá tại một số thị trường nhập khẩu lớn. Về xuất khẩu phân bón, giá bán thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và đầu ra chậm nên việc xuất khẩu của các doanh nghiệp phân bón không thuận lợi như trước.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo, trong điều kiện chi phí đầu vào thức ăn, vật tư, giá điện tăng cao đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi tôm cần phải chủ động tính toán giảm bớt chi phí vận chuyển, khâu trung gian để đảm bảo sản xuất có lãi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phan Hoàng Vũ khẳng định, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc nắm tình hình, tổ chức lại khâu sản xuất, hướng dẫn cho người dân phát triển các mô hình nuôi tôm hiệu quả, giảm chi phí, tổ chức liên kết ngay từ đầu vụ, chủ động sản phẩm đầu ra ổn định cho ngành hàng tôm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục như: tập trung thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch và xây dựng lịch thời vụ để khuyến cáo người dân chủ động trong sản xuất; triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; tăng cường kiểm soát chất lượng con giống và vật tư nông nghiệp; tập trung phát triển trồng rừng thâm canh cây tràm và cây keo lai ở vùng rừng U Minh Hạ để tạo vùng nguyên liệu tập trung nhằm cung cấp sản phẩm cho chế biến, xuất khẩu; tăng cường khôi phục rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ môi trường sinh thái chống sạt lở…

Đồng thời theo dõi sát tình hình sạt lở, xâm nhập mặn, sụt lún và an toàn các công trình, triển khai các biện pháp khắc phục kịp thời và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất; quản lý chặt đội tàu khai, tuyệt đối không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, xây dựng hoàn thiện sớm lịch thời vụ để tuyên truyền cho nông dân áp dụng, nhằm thích ứng với hiện tượng El Nino.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tỉnh Cà Mau sẽ tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, mở rộng tiếp cận các thị trường tiềm năng, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung khai thác thế mạnh thị trường nội địa, chú trọng tăng cường chế biến sâu, giảm dần sản phẩm thô, nghiên cứu phát triển các sản phẩm OCOP từ con tôm với mẫu mã mới, đa dạng về chủng loại nhằm tăng sức tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau trên thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục