Chủ tàu 67 mòn mỏi chờ thanh toán bảo hiểm

12:34' - 10/06/2022
BNEWS Theo thống kê, tỉnh Nghệ An có 104 tàu đóng theo Nghị định 67; trong đó có 11 tàu cháy, chìm trên biển; có 4 tàu đã được bảo hiểm tất toán, còn 7 tàu đang chờ cơ quan bảo hiểm thanh toán.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) được ban hành nhằm khẩn trương xây dựng một đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại vừa phát triển kinh tế biển, vừa khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Để đóng được tàu cá theo Nghị định 67, không ít ngư dân tại tỉnh Nghệ An đã phải thế chấp sổ đỏ của gia đình và người thân để vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều tàu cá đóng theo Nghị định này khi không may bị cháy, chìm trên biển dù đã mua bảo hiểm tàu cá nhưng vẫn mòn mỏi chờ đền bù từ nhiều năm nay.
Mòn mỏi chờ thanh toán bảo hiểm

Đã gần 3 năm nay, anh Lê Hồng Nhung, sinh năm 1987, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An vẫn mòn mỏi chờ đợi được bảo hiểm thanh toán tiền đền bù do tàu bị cháy, chìm trên biển, với hy vọng có nguồn vốn phát triển lại kinh tế gia đình.

 

Tuy nhiên, hy vọng ấy lại cứ tàn lụi dần theo năm tháng khi hết lần này đến lần khác, phía bảo hiểm từ chối thanh toán đền bù, mặc dù anh đã hoàn tất các thủ tục, có đầy đủ xác nhận của các cơ quan chức năng về sự cố chìm tàu trên biển.
Anh Lê Hồng Nhung kể lại, vào khoảng 4 giờ sáng ngày 16/11/2019, tàu cá số hiệu NA – 976.78 do anh làm thuyền trưởng, khi tàu đang đánh bắt cá cách Cửa Việt (Quảng Trị) 30 hải lý thì các thuyền viên trên tàu phát hiện có khói và lửa ở khu vực hầm máy.

Sau khi dùng bình cứu hỏa để dập lửa không thành công, anh Lê Hồng Nhung đã dùng bộ đàm phát tín hiệu cứu nạn vào đất liền rồi hô tất cả 7 thuyền viên mặc áo phao nhảy xuống biển. Các thuyền viên sau đó đã được một tàu cá gần đó cứu nạn đưa về bờ an toàn, riêng tàu cá của anh Lê Hồng Nhung đã bị cháy và chìm trên biển.
Theo anh Lê Hồng Nhung, năm 2016, gia đình anh đã thế chấp ngân hàng 3 sổ đỏ, đóng tàu cá theo Nghị định 67 với tổng giá trị là 13,6 tỷ đồng để vươn khơi bám biển phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trước khi vươn khơi, anh đã mua bảo hiểm cho tàu từ Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An với mức phí hơn 46 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, sau khi tàu bị cháy, anh đã làm hồ sơ thủ tục để thanh toán tiền bảo hiểm nhưng Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An đã từ chối thanh toán vì lý do thời điểm tàu cháy, thiết bị giám sát hành trình trên tàu không hoạt động, tàu không có máy trưởng và tàu cá của anh Lê Hồng Nhung đánh bắt ở khu vực vùng lộng.
Trả lời các vấn đề này, tại cuộc họp giữa các bên liên quan vào tháng 3/2022 gồm: Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, Chi cục Thủy sản Nghệ An, Ban Chỉ đạo Nghị định 67 tỉnh Nghệ An, đại diện phía Ngân hàng và đại diện Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An, anh Lê Hồng Nhung đã đưa ra giấy xác nhận thiết bị giám sát hành trình của tàu được Chi cục Thủy sản Nghệ An lắp đặt miễn trong đợt thí điểm lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo Luật Thủy sản và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Trước khi tàu ra khơi đánh bắt, anh Lê Hồng Nhung đã báo cáo việc thiết bị giám sát hành trình hỏng và được cho phép ra khơi đánh bắt.
Bên cạnh đó, tàu cá của anh bị cháy và chìm cách Cửa Việt (Quảng Trị) 30 hải lý đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị xác nhận, vị trí này nằm ở vùng khơi theo đúng quy định của Luật Thủy sản. Ngoài ra, thời điểm bị chìm, tàu không có máy trưởng do có việc gia đình không ra khơi chuyến đó, song vẫn có máy phó điều hành trên tàu.
“Trước những chứng cứ mà tôi đưa ra, đại diện phía Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An đã im lặng và biện minh, hiện Công ty Bảo hiểm PJICO đang làm ăn thua lỗ, các doanh nghiệp góp vốn không chịu trách nhiệm và đùn đẩy cho nhau trong việc thanh toán bảo hiểm cho tàu Nghị định 67 bị nạn do mức phí bồi thường lớn. Hiện nay, gia đình tôi vẫn đang nợ ngân hàng hơn 7 tỷ đồng, 3 sổ đỏ vẫn thế chấp trong ngân hàng, nợ nần và không có nguồn vốn để đóng lại tàu mới nên tôi phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống gia đình qua ngày”, anh Lê Hồng Nhung cho biết.
Cùng cảnh ngộ, anh Lê Bá Nam sinh năm 1976, trú thôn Sơn Long, xã Quỳnh Lập, Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An cũng đóng con tàu theo Nghị định 67 công suất 818 CV, mang số hiệu NA - 957.68 TS để ra khơi đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, ngày 15/7/2021, tàu đang neo đậu trên biển thì bất ngờ máy điện đang hoạt động bị tắt, khói và lửa phát ra từ mô tơ điện.

Sau đó lửa đã thiêu rụi con tàu và chìm trên biển, cách Cửa Tùng (Quảng Trị) 1 km. Rất may mắn các thuyền viên trên tàu đã được Đồn Biên phòng cửa Tùng cứu nạn và đưa vào bờ an toàn.
Anh Lê Bá Nam cho biết, năm 2018, tàu cá theo Nghị định 67 của gia đình anh đóng với tổng giá trị 11,7 tỷ đồng. Gia đình đã phải vay ngân hàng gần 7 tỷ đồng, thế chấp 5 sổ đỏ. Thời gian đầu, tàu vươn khơi đánh bắt khá hiệu quả, gia đình trả được một phần tiền nợ và ngân hàng trả lại cho anh 1 sổ đỏ.

Tuy nhiên, sau khi tàu bị cháy chìm, gia đình anh hiện vẫn còn nợ hơn 4,8 tỷ đồng cùng 4 sổ đỏ đang thế chấp trong ngân hàng.
Theo anh Nam, anh đã mua bảo hiểm cho tàu tại Công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) với mức phí bảo hiểm gần 60 triệu đồng/năm. Sau sự cố tàu bị cháy và chìm trên biển, anh Nam đã làm đầy đủ giấy tờ, hồ sơ đề nghị cơ quan bảo hiểm bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa được chi trả.

Gần 1 năm sau sự cố tàu bị cháy chìm, nhiều lần anh Lê Bá Nam đã gọi hỏi phía bảo hiểm thì được trả lời là đang hoàn tất hồ sơ, phải chờ đợi.
Ông Lê Bá Kỷ, Phó Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết, địa phương có 29 tàu cá đóng theo Nghị định 67; trong đó có 6 tàu bị cháy, chìm trên biển đều mua bảo hiểm của Công ty bảo hiểm PJICO và Công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH).

Hiện đã có 3 tàu được công ty bảo hiểm chi trả, còn 3 tàu bảo hiểm từ chối chi trả. Lý do mà phía công ty bảo hiểm đưa ra là tàu đánh bắt ở vùng lộng, ngoài phạm vi cho phép; thiết bị giám sát hành trình không hoạt động; máy trưởng trên tàu thiếu chứng chỉ…

Dù sau đó, các chủ tàu đưa ra các chứng cứ, xác nhận của các cơ quan chức năng về các nguyên nhân tàu cháy, chìm. Song, phía công ty bảo hiểm vẫn từ chối và né tránh việc thanh toán bảo hiểm cho ngư dân.
Cần sớm giải quyết quyền lợi cho "chủ tàu 67"

Theo thống kê, tỉnh Nghệ An có 104 tàu đóng theo Nghị định 67; trong đó có 11 tàu cháy, chìm trên biển; có 4 tàu đã được bảo hiểm tất toán, còn 7 tàu đang chờ cơ quan bảo hiểm thanh toán. Tuy nhiên, thời gian xử lý sự việc, thanh toán từ phía công ty bảo hiểm  kéo dài quá lâu, gây khó khăn cho ngư dân trong việc khôi phục lại kinh tế, trả nợ thế chấp ngân hàng.
Theo ông Lê Bá Kỷ, trong quá trình ngư dân tàu đóng tàu Nghị định 67 mua bảo hiểm tàu cá có nhiều bất cập. Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An là đơn vị được Bộ Tài chính chỉ định bán bảo hiểm cho ngư dân từ năm 2014. Tuy nhiên, do thấy rủi ro quá lớn nên từ năm 2019 đến nay, đơn vị này đã dừng bán bảo hiểm cho các tàu cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Sau đó, nhiều ngư dân đã phải mua bảo hiểm từ Công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH). Đặc biệt, khi mua bảo hiểm từ Công ty Bảo hiểm PJICO, chủ tàu chỉ nhận được Giấy chứng nhận, không có hợp đồng cụ thể nên không nắm hết các quy định, điều kiện hưởng bảo hiểm khi bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, việc thanh toán bảo hiểm "tàu cá 67" còn gặp khó khăn khi phải dựa vào căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh của đơn vị giám sát độc lập. Trong khi đơn vị này lại đóng tại Hải Phòng, khi tàu cá hư hỏng máy móc hay bị nạn, thời gian chờ đợi đơn vị này kiểm tra, xác định nguyên nhân rất lâu.

Nhiều chủ tàu cũng mất nhiều thời gian chờ đợi, chi phí đi lại tốn kém khi ra làm việc với đơn vị giám sát độc lập tại Hải Phòng để hoàn tất thủ tục thanh toán bảo hiểm.
Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, tại cuộc họp giữa các bên liên quan vào tháng 3/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã đề nghị các công ty bảo hiểm; trong đó đặc biệt là Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An sớm thanh toán tiền bảo hiểm cho các tàu cá 67 gặp rủi ro khi có đầy đủ chứng nhận, xác nhận của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, địa phương, khi công ty bảo hiểm có đề nghị xác nhận tàu cá bị nạn, cần phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết theo đúng quy định, pháp lý.
Theo ông Trần Xuân Học, ngoài việc sớm thanh toán bảo hiểm cho ngư dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cũng đề nghị Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO và Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An cần trả lời tỉnh Nghệ An việc có tiếp tục bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 cho ngư dân nữa hay không?

Vì đơn vị này đã dừng bán bảo hiểm tàu cá Nghị định 67 từ năm 2019. Trong trường hợp bán cần triển khai ngay vì đây là chính sách của Chính phủ hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trong trường hợp Công ty Bảo hiểm PJICO không bán nữa, Bộ Tài chính cần có ý kiến chỉ đạo trong việc tiếp tục triển khai bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 cho các tàu cá đóng mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tại Nghệ An, qua tổng hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, hiện có 60 tàu đóng theo Nghị định 67 nằm trong nhóm nợ xấu. Bên cạnh đó, việc khai thác thủy hải sản trong những năm qua bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, nguồn lợi thủy hải sản ngày càng suy giảm, chi phí xăng dầu tăng cao.
Tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 như: giãn nợ, điều chỉnh thời gian thu hồi nợ, hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân....

Hiện một số ngân hàng thương mại cho vay đang giữ sổ đỏ của chủ tàu và các cá nhân tham gia góp vốn với chủ tàu. Để tạo điều kiện cho chủ tàu thế chấp sỏ đỏ vay vốn lưu động phục vụ hoạt động của tàu cá, phía ngân hàng cần xem xét hoàn trả lại sổ đỏ theo tiến độ trả nợ của ngư dân./.

>>>Thay thế Nghị định 67 - Bài 1: Nợ xấu ở mức cao


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục