Chủ tịch Hà Nội: Tiến tới chấm dứt lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp

21:35' - 05/01/2018
BNEWS Sở Xây dựng Hà Nội phải có giải pháp phòng ngừa ở địa bàn tiềm ẩn nguy cơ sai phạm, xử lý kiên quyết, tiến tới chấm dứt lấn chiếm trái phép đất công và đất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức ngày 5/1, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu đơn vị này phải có giải pháp phòng ngừa ở những địa bàn tiềm ẩn nguy cơ sai phạm, xử lý kiên quyết, tiến tới chấm dứt tình trạng lấn chiếm trái phép đất công và đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2017, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND thành phố tổ chức 5 đoàn kiểm tra các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các công trình xây dựng để xác định hành vi vi phạm, giải quyết kịp thời, không để phát sinh thêm các điểm vi phạm mới.

Đặc biệt, Sở đã đề xuất UBND thành phố trình Chính phủ và được chấp thuận triển khai thí điểm mô hình “Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, huyện”.

Nhờ đó, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Các đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 17.422 công trình; trong đó có 1.916 công trình vi phạm.

UBND cấp xã, huyện đã xử lý 1.571 trường hợp vi phạm, đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 34 trường hợp. UBND các quận, huyện, thị xã ban hành 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt hơn 12 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước gần 8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các công trình siêu mỏng, siêu méo còn tồn tại nhiều năm đã và đang được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tập trung chỉ đạo dứt điểm với nhiều giải pháp tích cực. Tính đến tháng 8/2016, tổng số công trình siêu mỏng, siêu méo tồn đọng còn 147 trường hợp, đến nay đã giải quyết được 15 trường hợp, còn 132 trường hợp đang tiếp tục xử lý.

Những trường hợp phát sinh mới đã được hạn chế tối đa trong quá trình quy hoạch, thiết kế và thi công tuyến đường mới mở.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, năm 2018, Thủ đô Hà Nội vẫn đứng trước nhiều thách thức.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, nhất là tại các huyện giáp ranh còn diễn biến phức tạp; việc mở rộng vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2.5 dễ dẫn đến trường hợp xuất hiện các công trình siêu mỏng, siêu méo…

Bởi vậy, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra các giải pháp để bàn bạc với cấp ủy, chính quyền quận, huyện và tham mưu cho thành phố nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng cam kết, năm 2018, Sở Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và theo giấy phép xây dựng tại các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở, đặc biệt là trên các tuyến phố, tuyến đường, nút giao thông mới mở; tập trung xử lý các trường hợp công trình siêu mỏng, siêu méo còn tồn đọng, đồng thời xử lý nghiêm tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, không để phát sinh vi phạm mới./.

>>> Hà Nội đưa thời gian xử lý 132 trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục