Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cắt băng thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

11:32' - 19/01/2022
BNEWS Ngày 19/1, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Buổi lễ vinh dự đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong đoàn công tác tham dự, cắt băng thông xe kỹ thuật. 

Phát biểu tại lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Nhà nước biểu dương các bên tư vấn, thiết kế, kỹ thuật, cố vấn, nhà thầu dự án cũng như Tỉnh uỷ, UBND, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh tiền giang, đơn vị nhà nước có thẩm quyền đã thường xuyên đôn đốc, xử lý các điểm nghẽn, đặc biệt là giải phóng mặt bằng cho dự án.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực vượt khó khăn cùng ý chí, nguồn lực, quyết tâm chính trị để có lễ thông xe kỹ thuật ngày hôm nay.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, sau lễ thông xe kỹ thuật phải quản lý tốt công trình, khắc phục điểm yếu của công trình nếu có. Yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh thi công cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ dài 46 km nhằm đảm bảo khai thác đồng bộ tuyến cao tốc từ Tp. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ. Sau đó, sẽ tiếp tục làm cao tốc, đường ven biển Cần Thơ-Cà Mau.

Báo cáo tại buổi lễ, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, khi Tập đoàn Đèo Cả tiếp quản và khởi động dự án từ tháng 3/2019, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã 3 lần đến công trường thăm, động viên cán bộ và người lao động, quyết tâm hoàn thành dự án. Khi nguồn vốn tín dụng bị tắc, vốn ngân sách hạn hẹp chính Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo và yêu cầu các bên phải tháo gỡ, thực hiện để đảm bảo vốn cho dự án.

“Hôm nay, dự án đã về đích chúng tôi muốn nói lời biết ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn quan tâm; cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải; sự phối hợp nhịp nhàng đầy tinh thần trách nhiệm của các cấp lãnh đạo tỉnh Tiền Giang; cảm ơn sự đồng hành, thấu hiểu và chia sẻ trách nhiệm đối với sự phát triển xã hội của liên danh các ngân hàng hợp vốn và đặc biệt cảm ơn sự đồng thuận giám sát quá trình thực hiện của người dân tỉnh Tiền Giang nói riêng và người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong suốt thời gian qua”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thông tin, hiện cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành tuyến chính, cơ bản hoàn thành các tuyến nối và doanh nghiệp sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan liên quan kiểm soát các vấn đề an ninh trật tự trong quá trình tổ chức phục vụ xe (ô tô) trong dịp Tết Nhâm Dần (từ ngày 25/1/2022 đến ngày 10/2/2022) đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Tp. Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù vậy, suốt gần 10 năm đầu triển khai dự án với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và dự án chỉ đạt được 10% khối lượng.

Tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Tháng 4/2019, với sự nỗ lực vượt khó của hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công công trình bằng tinh thần “ba xuyên”: “xuyên đêm”, “xuyên lễ, tết”, “xuyên dịch”, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành thông tuyến cao tốc trước ngày 31/12/2020, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ hơn 1 năm rưỡi sau ngày tái khởi động.

Với phương châm “Muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm”, “Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân”, doanh nghiệp dự án đã lập đồng hồ đếm ngược tiến độ để người dân giám sát, gắn trách nhiệm cho chính mình và các bên liên quan là Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang, các ngân hàng tài trợ vốn… cùng nhau quyết tâm hoàn thành dự án.

Trong 2 năm (2020 - 2021), dự án chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Tháng 6/2021, hơn 40 cán bộ và người lao động nhiễm bệnh, hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân phải thực hiện cách ly y tế, 13 gói thầu phải tạm ngưng thi công... Trước tình hình đó, Tập đoàn Đèo Cả đã cùng với tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ, chủ động kiến nghị Bộ Y tế phân bổ nguồn vaccine cho người lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Đồng thời, điều động bổ sung nhân sự kịp thời từ các dự án ở khu vực miền Bắc, miền Trung vào Nam thay thế cho các nhân sự đang phải cách ly, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính “3 tại chỗ”, “1 cung đường và 2 điểm đến”, với tinh thần không để các hoạt động thi công bị gián đoạn.

Lần đầu tiên dự án BOT đã thực hiện việc hợp vốn từ các Ngân hàng Vietinbank, BIDV, Agribank và VP Bank (do Vietinbank đứng đầu) được chỉ đạo bởi Ngân hàng nhà nước nhưng điều kiện giải ngân bắt buộc của hợp đồng tín dụng là phải đảm bảo nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp. Vào tháng 6/2021, khi các nhà đầu tư, nhà thầu gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Tập đoàn Đèo Cả ngay lập tức tiếp ứng 500 tỷ đồng để đảm bảo nguồn vật liệu, chi trả chi phí nhân công, không để dự án vì thiếu tiền dẫn tới đình trệ. 

Sau gần 3 năm tiếp nhận điều hành, nhận được sự ủng hộ của người dân, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang, các bộ, ngành, giải ngân tích cực của các ngân hàng hợp vốn, đặc biệt là sự đồng thuận cao của các nhà đầu tư, nhà thầu và hàng nghìn cán bộ nhân viên… Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực ngày đêm đưa dự án cán mốc thông xe kỹ thuật, tiếp tục kiểm soát chất lượng trong quá trình cho lưu thông trước tết và sẽ đưa vào khai thác chính thức sau khi tổ chức hiệu chỉnh kỹ thuật, đồng thời đo lường khắc phục các rủi ro về nền đất yếu thường gặp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51,5 km, đi qua 5 huyện của Tiền Giang có tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2013. Sau đó vốn được điều chỉnh còn hơn 12.600 tỷ đồng. Tuyến đường rộng 16m, gồm 4 làn xe, mỗi chiều được bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp (không có làn khẩn cấp, suốt tuyết có 39 cầu trên tuyến và 14 cầu vượt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục