“3 tại chỗ” giúp cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận về đích

12:59' - 18/01/2022
BNEWS Sau 12 năm thi công, ngày 19/1, UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật và dự kiến sẽ tổ chức phục vụ xe ô tô lưu thông trong dịp Tết Nhâm Dần.
Ngày 19/1, UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật và dự kiến sẽ tổ chức phục vụ xe ô tô lưu thông trong dịp Tết Nhâm Dần (từ ngày 25/1/2022 đến ngày 10/2/2022). Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã của vùng đất nhiều tiềm năng này.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, mấu chốt để cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể cán mốc thông xe kỹ thuật trước tết Nhâm Dần 2022 là ở chính sách “3 tại chỗ”: Ăn tại chỗ, ở tại chỗ, làm tại chỗ khi đại dịch COVID - 19 tấn công vào dự án.
Nhìn lại, hành trình 12 năm xây dựng của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trải đầy gian khó. Gần 10 năm “đứng hình” bởi những nhà đầu tư yếu kém, báo chí đề cập rất nhiều rồi nhưng hơn 2 năm sau đó tính từ thời điểm Tập đoàn Đèo Cả vào điều hành thì sự khó mới thật sự khốc liệt. Nó không đến từ nội tại mà đến từ ngoại cảnh không ai dự tính được, đó là ảnh hưởng của dịch bệnh.
Năm 2021 vừa qua, COVID - 19 tấn công trực diện vào ban điều hành, các lán trại nơi hàng trăm người lao động ở đó. Thời điểm tháng 6/2021, hàng trăm nhân sự diện F0, F1, F2 phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại chỗ, một số gói thầu phải tạm ngưng thi công, việc cung ứng vật liệu tê liệt do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Khi dịch bùng phát tại tỉnh Tiền Giang và nguồn vác xỉn phòng COVID-19 đang khan hiếm, lúc đó Chủ tịch Hội đồng quản trị đang ở Hà Nội, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu trong cuộc họp 27/1/2020 “chống dịch như chống giặc”, ngay lập tức người đứng đầu Đèo Cả đã cùng tỉnh Tiền Giang báo cáo khẩn lên Chính phủ, Bộ Y tế phân bổ nguồn vaccine cho người lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. 
“Trước báo cáo về tình hình khá căng thẳng như vậy, Bộ Y tế kịp thời xử lý để toàn bộ cán bộ và người lao động dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đã được tiêm vaccine rất sớm, từ đó chúng tôi đã dần khống chế dịch và để tiếp tục duy trì thi công”, ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ.
Thời điểm khi các tỉnh, thành phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách theo quy định của Chỉ thị 16/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ảnh hưởng rất lớn tới tình hình triển khai các gói thầu của dự án. Để tiếp cận và vận chuyển vật liệu được vào công trường của dự án, các nhà thầu gặp nhiều khó khăn khi phải thường xuyên qua lại giữa các điểm chốt phòng dịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như các điểm chốt phòng dịch ở các tỉnh lân cận khác.
Việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” không chỉ được áp dụng ở dự án Trung Lương - Mỹ Thuận mà còn được áp dụng ở các dự án quan trọng mà Tập đoàn Đèo Cả đang thi công.
Đầu năm 2022, Đèo Cả “bàn giao” cầu Tình Yêu, hầm Bao biển cho Quảng Ninh và suốt trong năm 2021 rất nhiều dự án/gói thầu trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam luôn rộn rã thanh âm lao động nhưng họ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. 

Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chia sẻ, “Đây là dự án mà trong bất kỳ cuộc họp giao ban nào cũng được Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xác định là ưu tiên số 1, quan tâm số 1. Bởi Trung Lương - Mỹ Thuận là uy tín của Đèo Cả, là niềm tin của Chính phủ và kỳ vọng của đồng bào miền Nam nói chung; đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”.

Sự “quan tâm số 1” không chỉ bằng quyết tâm, ý chí mà thực hiện bằng các hành động cụ thể, như khi liên danh các nhà đầu tư, nhà thầu gặp khó khăn về vốn do ảnh hưởng của đại dịch, Đèo Cả đã ứng cho dự án tới 500 tỷ đồng để nhập vật liệu, chi phí nhân công... với một tinh thần “không để dự án vì thiếu tiền mà ngưng thi công, chậm tiến độ”, ông Nguyễn Tấn Đông khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục